Mặc dù đa số các mặt hàng vẫn duy trì đà tăng, nhưng việc một số mặt hàng trái chiều và mức tăng cũng đang có phần chững lại, khiến cho giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ về quanh mức 7.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn gia tăng rất mạnh so với mức trung bình của 4 tháng đầu năm.
Đóng cửa phiên 17/05, giá bạc tiếp tục phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,92% lên 21,75 USD/pound, trong khi bạch kim kết thúc chuỗi 3 phiên giảm với mức phục hồi đáng kể 1,96% lên 943,4 USD/ounce. Áp lực lạm phát và những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng mức lãi suất trong các phiên họp sắp tới đã tạm lắng xuống nhờ vào số liệu bán lẻ tích cực được công bố vào tối hôm qua.
Theo đó, doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ trong tháng 4 đã tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn mức dự đoán 0,4% của thị trường. Sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng đạt mức tăng trưởng 1,1%, cao hơn kỳ vọng 0,6%.
Điều này đã khiến giới đầu tư bớt lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, hoặc ít nhất cuộc suy thoái sẽ không đến sớm, và tiến trình tăng lãi suất của Fed có thể diễn ra đúng như kế hoạch. Bên cạnh đó, đồng Dollar tiếp tục “hạ nhiệt” trong phiên hôm qua đã giúp giá bạc và bạch kim được hưởng lợi do dòng tiền đang bắt đầu được phân bổ vào các thị trường đầu tư.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX tiếp tục phục hồi với mức tăng 1,13% lên 4,23 USD/pound. Tin tức tích cực về dịch bệnh tại Trung Quốc khi Thượng Hải trong 3 ngày liên tiếp không đón nhận ca mắc mới tại thị trường đã hỗ trợ giá đồng lấy lại sắc xanh.
Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô của Trung Quốc đối với việc giảm lãi suất cho vay thế chấp và đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy ngành xây dựng và bất động sản cũng là yếu tố tích cực đối với thị trường đồng.
Ngược lại với sự phục hồi của giá đồng, giá quặng sắt giảm 1,41% về mức 128 USD/tấn chủ yếu do chính sách cắt giảm lượng khí thải carbon đối với ngành luyện thép tại Trung Quốc. Việc Chính phủ nước này tiếp tục cam kết sẽ cắt giảm sản lượng thép mỗi năm đã tạo ra sức ép đối với giá quặng sắt, vốn là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng.
Trên thị trường trong nước, do giá nguyên liệu thô đầu vào liên tiếp đi xuống nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiếp tục hạ giá thép. Đáng chú ý, mức giảm lần này lên tới 500.000 - 800.000 đồng/tấn, đưa giá thép xây dựng dao động từ 17,8 - 18,7 triệu đồng/tấn.