Chịu sự chi phối từ kết quả kinh doanh quý II
Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng, tuần tới, thị trường sẽ có diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp vào đầu tuần. VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 863 - 868 điểm.
“Về tổng thể chúng tôi vẫn kỳ vọng vào đà tăng ngắn hạn của thị trường với đích đến nằm tại vùng kháng cự quanh 888±5 điểm”, ông Bách cho biết.
Theo ông Bách, vào thứ Hai tuần tới, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ công bố kết quả thay đổi các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số VN30, VNFinlead, VNDiamond… Sau đó, các quỹ đầu tư theo các rổ chỉ số này sẽ phải tiến hành hoạt động tái cơ cấu danh mục. Sự kiện này có thể giúp diễn biến của các cổ phiếu trong các rổ chỉ số có diễn biến sôi động hơn trong những tuần cuối tháng 7.
Ngoài ra, thị trường vẫn sẽ chịu sự chi phối chủ yếu từ thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niếm yết trong ngắn hạn. Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý II.
Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC thì cho rằng, thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua chưa thực sự lạc quan và đang trong giai đoạn phân hóa khá rõ nét.
Công ty này khuyến nghị nhà đầu tư cũng có thể tham gia với mức độ vừa phải để tìm kiếm cơ hội trong khi thị trường đang trong vùng sideway (giá đi ngang trong một biên độ trương đối ổn định và không hình thành một xu hướng cụ thể nào trong một khoảng thời thời gian tương đối dài).
Trong khi đó, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS vẫn bảo lưu quan điểm với kịch bản tích cực là thị trường có thể hồi phục lên mức 900 - 910 điểm. Dù vậy, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật khi tiếp cận vùng cản 880 - 885 điểm.
Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể tranh thủ các nhịp thị trường điều chỉnh để thực hiện mua tăng tỷ trọng, tập trung vào nhóm cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý II tích cực và quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Các nhà phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, các chỉ số tăng nhẹ trong tuần qua nhưng thanh khoản lại giảm so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền có sự suy yếu và do dự nhất định trong vùng giá hiện tại. Dù vậy, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã tăng từ vùng đáy quanh 650 điểm đến nay và chỉ số này vẫn đang hướng đến mục tiêu quanh ngưỡng 890 điểm nên dư địa để thị trường hồi phục là vẫn còn trong thời gian tới.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (20 - 24/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu là ngưỡng kháng cự quanh 890 điểm.
Kết thúc tuần giao dịch qua (từ 13 - 17/7), VN-Index tăng 0,81 điểm (0,1%) lên 872,02 điểm; HNX-Index tăng 1,156 điểm (1%) lên 116,81 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 4.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trong tuần qua trên HOSE giảm 12,1% xuống 20.272 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,3% xuống 1.225 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 1% xuống 2.004 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,9% xuống 180 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh việc khối nội giảm giải ngân thì khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 297 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua, giảm 47,6% so với tuần trước. Khối ngoại cũng hạn chế giao dịch trong tuần qua. Theo đó, khối này mua vào gần 2.441 tỷ đồng, giảm 32% so với tuần trước và bán ra 2.738 tỷ đồng, giảm 34,1%.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên quan sát thị trường trong tuần tới, có thể canh bán ra toàn bộ nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 860 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân do đây đã là sóng tăng cuối của chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đến nay.
Xét đến từng nhóm cổ phiếu, tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tích cực nhất so với các nhóm còn lại, với các trụ cột trong nhóm như PVS tăng 0,8%, PVD tăng 1%, PLX tăng 2,5%, PVB tăng 3,6%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, CTG tăng 1,2%, trong khi VPB tăng 1,8%. Đây là 2 mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng và nằm trong 10 cổ phiếu có mức ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số VN - Index. Bên cạnh đó các mã BID, TCB, MBB, ACB cũng đều có mức tăng nhẹ trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thực phẩm - đồ uống diễn biến tiêu cực với SAB giảm tới 6,9%, BHN giảm 3,2%, MSN giảm 1,2%.
Chứng khoán thế giới biến động trái chiều
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co chưa rõ xu hướng thì thị trường chứng khoán thế giới cũng có những biến động thất thường do dịch COVID-19.
Thị trường chứng khoán phố Wall biến động thất thường trong tuần qua do lo ngại về nguy cơ diễn ra làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai đẩy lùi triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngay từ đầu tuần (ngày 13/7), thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến đà tăng giảm trái chiều khi tình hình dịch bệnh có xu hướng xấu đi. Thống đốc bang California Gavin Newsom cho hay, ông đã yêu cầu các nhà hàng ngoài trời, quán bar và các rạp chiếu phim đóng cửa trở lại.
Động thái của California diễn ra sau khi các bang Texas, Arizona và nhiều bang lớn khác của Mỹ cũng áp đặt các biện pháp hạn chế do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Chuyên gia phân tích Patrick O'Hare thuộc Briefing.com cho biết thêm số liệu về thâm hụt ngân sách "khủng" mới nhất của Mỹ cũng là yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán.
Dù sắc xanh đã thống lĩnh thị trường trong hai phiên giao dịch liền sau đó (14 - 15/7) nhờ kỳ vọng về vắc-xin phòng ngừa COVID-19, song đà tăng này nhanh chóng nhường chỗ cho xu hướng giảm điểm vào các phiên cuối tuần, sau khi Mỹ công bố các số liệu kinh tế trái chiều và số ca nhiễm mới dịch COVID-19 của Mỹ liên tục xác lập các mức cao kỷ lục tính theo ngày.
Công ty sinh học Moderna của Mỹ thông báo sẽ tiến hành giai đoạn 3 vào ngày 27/7 và cũng là giai đoạn cuối cùng thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do công ty này phát triển. Dữ liệu được công bố bởi Tạp chí Y học New England cho thấy vắc-xin ngừa COVID-19 của Moderna đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, hoặc kháng thể trung hòa, ở tất cả 45 bệnh nhân trong thử nghiệm ở người giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, ngày 16/7, nước Mỹ thông báo ghi nhận ít nhất 75.000 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu mức tăng cao kỷ lục theo ngày lần thứ bảy trong tháng này. Điều này càng khiến giới đầu tư quan ngại hơn về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và nguy cơ các nền kinh tế buộc phải phong tỏa trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,23%, xuống 26.672,36 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 lại tăng 0,29%, lên 3.224,75 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,28%, lên 10.503,19 điểm.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 2,3% và 1,2%. Song chỉ số Nasdaq Composite lại hạ 1,1% do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo chốt lời các cổ phiếu bao gồm Microsoft Corp và Amazon.com Inc.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á đa phần tăng điểm trong phiên cuối tuần qua (17/7).
Khép phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,3% xuống 22.696,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,5% lên 25.089,17 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.214,13 điểm.
Chứng khoán Mumbai phiên này tăng 0,7%, trong khi chứng khoán Sydney cộng thêm 0,4%, chứng khoán Seoul tiến 0,8%. Sắc xanh còn được ghi nhận tại thị trường Đài Bắc, Bangkok và Wellington.
Ở chiều ngược lại, các thị trường Manila, Singapore và Jakarta ghi nhận đà giảm điểm.
Niềm tin của các nhà đầu tư đang bị tác động khi một số nơi trên thế giới trước đây dường như đã khống chế được dịch COVID-19 gồm Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Australia, đang áp đặt trở lại các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Bắc Kinh ngày 16/7 thông báo mặc dù nền kinh tế nước này tăng trưởng nhiều hơn dự đoán, song số liệu về hoạt động bán lẻ đang thấp hơn các mức dự báo, cho thấy người tiêu dùng nước này vẫn chưa sẵn sàng để đi ra ngoài và chi tiêu. Không lâu sau đó, Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh thu bán lẻ của nước này mặc dù tiếp tục tăng trong tháng 6/2020, song với tốc độ chậm hơn tháng 5/2020.
Michael McCarthy, chuyên gia đến từ CMC Market, cho biết các số liệu kinh tế được công bố trong vòng 24 giờ qua đã làm dấy lên sự hoài nghi về tốc độ hồi phục kinh tế hậu COVID-19, đồng thời phản ánh các thách thức kinh tế do làn sóng lây nhiễm thứ hai.