20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh - HOSE) chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển (20/7/2000-20/7/2020), HOSE đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, thông qua HOSE và thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã huy động vốn thành công, trợ lực cho doanh nghiệp tăng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

Chú thích ảnh
 Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 4 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty Cổ phần (Mã chứng khoán GVR) vào giao dịch. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN

Trợ lực cho doanh nghiệp

Ngày 7/12/2006, cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) chính thức được niêm yết giao dịch trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Trải qua gần 14 năm niêm yết trên thị trường chứng khoán với nhiều đợt thăng trầm của thị trường, giá trị cổ phiếu FMC có lúc trồi sụt, nhưng đến nay đã tăng trên 230% so với thời điểm niêm yết.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, việc niêm yết cổ phiếu FMC lên HOSE đã có tác động tích cực và hữu hiệu đối với doanh nghiệp. Thông qua thị trường chứng khoán cùng sự tham gia của các nhà đầu tư, FIMEX đã kịp thời huy động đủ nguồn lực tài chính để mở rộng quy mô hoạt động và sản xuất kinh doanh. Từ một doanh nghiệp lên sàn chỉ có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 490 tỷ đồng. Doanh số của FIMEX cũng tăng lên đáng kể, từ 40 triệu USD ở  thời điểm niêm yết lên 180 triệu USD/năm trong những năm gần đây.

Không những vậy, thông qua thị trường chứng khoán, vấn đề minh bạch thông tin cùng hoạt động quản trị của doanh nghiệp dần được cải thiện tốt hơn. Qua đó đã giúp FIMEX trở thành một trong những doanh nghiệp niêm yết uy tín hàng đầu của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Ở thời điểm gần đây hơn, ngày 26/7/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco) chính thức chuyển sàn niêm yết lên HOSE sau 11 năm niêm yết trên sàn HNX.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, việc niêm yết trên HOSE là một bước đi trong chiến lược tổng thể của Tập đoàn, tăng tính thanh khoản và tiếp cận được với nhiều nguồn tài chính khác nhau trong nước và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Dabaco chuẩn mực hóa hoạt động quản trị, tăng tính minh bạch và giúp gia tăng uy tín chất lượng dịch vụ của công ty trên thị trường.

Và quả thật, chỉ sau gần một năm niêm yết trên HOSE, cổ phiếu DBC đã có sự "bùng nổ" đáng ngưỡng mộ, với nhiều phiên tăng trần ngay cả thời điểm thị trường chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và trở thành một trong những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư "săn đón". Hiện giá cổ phiếu DBC đang dao động ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE là 22.160 đồng/cổ phiếu.

FIMEX VN và Dabaco chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh hơn sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, kể từ khi tham gia niêm yết, các doanh nghiệp đã huy động được một lượng vốn đáng kể để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các dự án mới, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Tổng giá trị huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu kể từ thời điểm thành lập HOSE đến nay ước đạt hơn 295.000 tỷ đồng, với 834 đợt phát hành. Trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015 mức huy động tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009.

Cũng theo ông Trà, hơn 80% công ty niêm yết trên HOSE đã thực hiện tăng vốn điều lệ sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong số đó, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ cao như Công ty cổ phần Vincom (tăng 43 lần), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (33 lần), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (21 lần), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (11 lần)…

Trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau 20 năm thành lập, HOSE và thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện không ngừng. Từ những giao dịch ban đầu trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, thì nay đã có thị trường cổ phiếu kể cả Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội; có thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô thị trường liên tục tăng mạnh qua các năm.

Tính đến ngày 30/6/2020, trên HOSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP.

Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được ưu thế thị trường chứng khoán để huy động vốn và phát triển, đã hình thành được các doanh nghiệp hàng đầu có sức ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế.

"Ở thời điểm ban đầu khi thị trường mới thiết lập, khó có thể hình dung chúng ta có doanh nghiệp tỷ đô, thế nhưng đến nay đã có tới 23 doanh nghiệp tỷ đô. Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển", ông Dũng nói.

Với vai trò dẫn vốn cho doanh nghiệp, các thành viên thị trường đã lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trong định hướng phát triển của HOSE trong 5 năm tới cũng nêu rõ sẽ tập trung xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Đồng thời, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, góp phần tăng quy mô thị trường cổ phiếu lên 120% GDP vào năm 2025.

HOSE cũng sẽ chú trọng phát triển bền vững và nâng cao minh bạch, chất lượng công ty niêm yết, hướng đến chất lượng quản trị công ty trong các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN-6. Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, chú trọng đến quản trị công ty và quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh…

Tuy vậy, không thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ, khoảng cách với các Sở trong khu vực còn khá xa. Thống kê cho thấy, quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam mới gần bằng 1/5 thị trường Phillippines, 1/7 thị trường Indonesia và 1/8 thị trường Thái Lan. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP còn khiêm tốn, cơ cấu giữa thị trường vốn còn mất cân đối, chưa phát huy tối đa vai trò dẫn vốn cho doanh nghiệp.

Do vậy, việc phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thành viên thị trường là một thách thức không nhỏ với HOSE và với các thành viên thị trường.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, mặc dù sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 20 năm phát triển ban đầu tương đối thành công, thì giai đoạn tiếp theo sẽ phát triển sâu hơn nữa về chất để khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân. Hiện nay đã có những cơ sở chắc chắn để trông chờ sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 10-20 năm tới.

Theo ông Dũng, hiện Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Thủ tướng cũng đã phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo thời gian đã chứng minh có sự trưởng thành lên rất nhiều. Đây là những nền tảng vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển vượt bậc, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

H.Chung
Chứng khoán Việt Nam: 'Lửa thử vàng' qua khủng hoảng COVID-19
Chứng khoán Việt Nam: 'Lửa thử vàng' qua khủng hoảng COVID-19

Với 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, song cũng có không ít thăng trầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN