Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ... và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, người dân đã xếp hàng từ sáng sớm dưới sự hướng dẫn của đội ngũ bảo vệ. Do đó, hoạt động mua sắm diễn ra tương đối giãn cách với số lượng khách hàng giảm đáng kể so với hai ngày qua.
Trước thực trạng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân còn nhiều, hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ... và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tăng nguồn cung gấp 3-5 lần so với những ngày trước đó. Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh cũng không ngừng nỗ lực đẩy hàng liên tục ra thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm đang tăng cao của người dân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Hà Minh, đại diện cửa hàng kinh doanh thịt gia súc trên đường Tầm Vu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, cửa hàng đã tăng lượng hàng nhập về lên gấp 5 lần so với những ngày trước khi có thông tin thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó". Mặc dù lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng nhưng việc xếp hàng chờ đến lượt mua là không thể tránh khỏi, nhằm đảm bảo giãn cách mua sắm và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tương tự, tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, số lượng hàng nhập về khá dồi dào và đa dạng chủng loại, cùng với sự tăng cường nguồn nhân lực phục vụ hoạt động mua sắm của người dân. Mỗi khách hàng sẽ phải tranh thủ mua sắm trong khoảng thời gian 30 phút theo phiếu hẹn của siêu thị, nên khách hàng đến siêu thị đều được vào mua sắm.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, tối 21/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn gửi đến hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ... và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn, về việc huy động nguồn nhân lực phục vụ hoạt động mua sắm cửa người dân. Theo đó, đơn vị quản lý điểm bán lẻ cần đảm bảo mua sắm an toàn và biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Không chỉ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ... và mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tại những điểm bán tăng cường và bổ sung kinh doanh hàng bình ổn giá, lương thực, thực phẩm, rau củ, quả... cũng tập trung nguồn cung hàng hóa phục vụ khách hàng trong giai đoạn mua sắm cao điểm này. Nhờ những điểm bán này, hoạt động mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân TP Hồ Chí Minh cũng được kéo giãn và giảm bớt tình trạng tập trung người tại những thương hiệu bán lẻ lớn.
Hôm nay, những điểm bán hàng lưu động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng được duy trì tổ chức tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Trước đó, thời gian và địa điểm bán hàng cũng được Ban tổ chức thông báo đến người dân ở địa bàn dân cư để có thể tham gia mua sắm hàng bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh.
Bà Thu Thảo ở thành phố Thủ Đức chia sẻ, những ngày qua, bà không thể mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại bất kỳ siêu thị nào nên đã chuyển sang các điểm bán lẻ khác trên địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên, có một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chỉ có thể mua ở hệ thống siêu thị nên từ sáng sớm nay cũng đã xếp hàng chờ đến lượt vào mua sắm tại MM Mega Market An Phú, thành phố Thủ Đức.
Chị Thiên Thanh ở Quận 4, TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, tính đến thời điểm này, gia đình cũng đã mua sắm đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ thực hiện quy định về giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó". Hôm nay, gia đình chỉ mua sắm thêm một số mặt hàng tươi sống đã đặt hàng với tiểu thương từ hôm qua.
Nhiều người dân khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, đối với những gia đình ít thành viên không cần dự phòng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, còn những gia đình có đông thành viên, đặc biệt có người lớn tuổi và trẻ nhỏ thì nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn.
Hiện những nhóm mặt hàng được người dân chọn mua như thuốc đặc trị, vitamin, nước muối sinh lý, nước diệt khuẩn, khẩu trang y tế... Hay nhóm mặt hàng sữa tươi, sữa bột, bánh, trái cây, trứng gia cầm, thịt gia súc, thịt gia cầm...