Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hoạt động tăng vốn. VietinBank đã chính thức thông báo phát hành ra trái phiếu năm 2019 với tổng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng theo mệnh giá. BIDV cũng vừa phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngân hàng NCB đã hoạch định chiến lược tăng vốn điều lệ lên trên 7.000 tỷ đồng ngay trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên trên 10.000 tỷ đồng đến năm 2020. Tại VIB, ngân hàng này cũng được NHNN chấp thuận điều chỉnh từ mức 7.834 tỷ đồng lên 9.245 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành thành công 141 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 18% nhằm tăng vốn điều lệ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện SeABank cho biết ngân hàng này vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Việc các NHTM trong nước đồng loạt tăng vốn còn nằm trong kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Theo lộ trình của NHNN, đến năm 2020, cơ bản các NHTM phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II, trong đó, ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.
Với tiêu chuẩn này, các NHTM phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Hiện tại, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã đạt trên 9% nhưng nếu áp dụng theo Thông tư 41, con số này chỉ khoảng 6 - 7%. Vì vậy, hầu hết ngân hàng nếu muốn đáp ứng chuẩn mực Basel II thì phải tăng vốn điều lệ.
“Nếu một ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong một thời gian dài, phía NHNN có thể đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nếu tỷ lệ xuống đến một mức rất thấp, NHNN có thể tìm cách xử lý với những biện pháp đặc biệt được quy định trong Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, bao gồm cho vay đặc biệt, sáp nhập và cuối cùng là có thể cho phá sản”, ông Hiếu nói.
TS Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia ngân hàng cho rằng: Tiêu chuẩn Basel II được đặt ra là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, tuy nhiên với năng lực của một số ngân hàng Việt Nam thì yêu cầu của Basel II khá cao. Vì vậy, việc áp dụng cần có thời gian. Trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Điều quan trọng là để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn.
“Việc tuân thủ theo Thông tư 41 là không dễ dàng nhưng lợi ích khi thực hiện Thông tư 41 là hiện hữu do bắt buộc sổ sách của các ngân hàng phải minh bạch hơn, bảo đảm các ngân hàng có vốn chủ sở hữu thích hợp để hoạt động”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.