Các bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 1,28 USD, tương đương 1,9%, lên 69,58 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 93 xu Mỹ, tương đương 1,4%, lên 67,93 USD/thùng. Trước đó trong phiên, giá Brent có lúc giảm xuống 67,22 USD, còn WTI chạm đáy 65,40 USD/thùng.
Cũng trong ngày 7/7, thông qua tài khoản mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo các mức thuế quan mới đối với 14 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Thái Lan, Kazakhstan, Nam Phi, Lào, Myanmar và một số nước khác.
Theo Tổng thống Trump, mức thuế quan mới áp dụng với các nước trên sẽ từ 25% đến 40% và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2025.
Ông Dennis Kissler – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại ngân hàng BOK Financial – nhận định: “Nguồn cung đang gia tăng rõ rệt, nhưng nhu cầu lại mạnh hơn kỳ vọng”.
Theo thống kê của ngành du lịch công bố tuần trước, số người Mỹ đi lại bằng đường bộ và hàng không trong kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ ngày 4/7 năm nay đã đạt mức kỷ lục.
Hôm 5/7, OPEC+ đã nhất trí nâng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8/2025– cao hơn mức tăng 411.000 thùng/ngày mà nhóm này áp dụng trong ba tháng trước đó.
Theo các chuyên gia tại RBC Capital dẫn đầu bởi bà Helima Croft, quyết định mới của OPEC+ sẽ đưa gần 80% trong tổng số 2,2 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện từ 8 nước OPEC quay trở lại thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng tăng thêm vẫn thấp hơn kế hoạch, và phần lớn nguồn cung mới đến từ Saudi Arabia.
Thể hiện sự tin tưởng vào nhu cầu thị trường, Saudi Arabia hôm 6/7 đã nâng giá bán dầu Arab Light giao tháng 8/2025 tại thị trường châu Á lên mức cao nhất trong 4 tháng.
Giới phân tích tại Goldman Sachs dự đoán OPEC+ sẽ công bố mức tăng cuối cùng là 550.000 thùng/ngày cho tháng 9 trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 3/8 tới.