Tính đến nay, có 20 khoảng NHTM đang triển khai Basel II, trong đó có 2 ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam, 5 ngân hàng nội đã công bố hoàn thành 3 trụ cột Basel II.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn Basel II sẽ gia tăng sức cạnh tranh cho ngân hàng, củng cố tiềm lực tài chính. Những ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sẽ tiếp tục được xem xét cấp thêm hạn mức tín dụng, giành được nhiều thị phần hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Quyền Tổng giám đốc MSB cho biết: MSB vừa hoàn thành quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP - trụ cột 2) theo các chuẩn mực của tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Từ đó, ngân hàng có thể xác định được vốn mục tiêu đảm bảo bù đắp cho các rủi ro trọng yếu và phát triển bền vững kể cả trong tình huống có diễn biến bất lợi; đồng thời phân bổ vốn hiệu quả trong hoạt động kinh doanh - lợi nhuận mang lại tương ứng với mức độ rủi ro (RORWA). Trước đó, MSB đã hoàn thành trụ cột 1 là yếu tố vốn tối thiểu và trụ cột 3 là yếu tố công bố thông tin mà Ủy ban Basel phiên bản hai đưa ra cho các nền tài chính phát triển.
“Việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basel II là động lực để MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III. Điều này cũng giúp ngân hàng quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Linh nói.
Để áp dụng Basel II là không hề dễ dàng, đòi hỏi các ngân hàng phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó mức độ an toàn vốn tối thiểu mới chỉ là một trụ cột của Basel II, hai trụ cột còn lại đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn hóa quy trình, phương pháp và công cụ đo lường rủi ro và tăng cường kỷ luật thị trường. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải lùi thời gian cho các ngân hàng chưa áp dụng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II đến trước ngày 1/1/2023 thay vì 1/1/2021.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB - ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, sự khác biệt nằm ở yếu tố ngân hàng coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng nằm trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của ngân hàng. Trong các trụ cột chính của Basel II phải đảm bảo đi đều chứ không phải “chân thấp chân cao”, bởi khi kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trở lại bình thường nhu cầu vốn tín dụng tăng lên sẽ dẫn đến các thiếu hụt về vốn trong các ngân hàng.
Còn ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, ngân hàng đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu của chuẩn mực Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II. Về vấn đề tăng vốn, Chính phủ cũng đã có chủ trương, theo đó VietinBank được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận hai năm 2017 và 2018 để tăng vốn. Dự kiến, Vietcombank và VietinBank sẽ được tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ về vốn, các lãnh đạo ngân hàng còn chia sẻ: Hệ thống ngân hàng áp dụng Basel II còn được đặc biệt quan tâm là tính minh bạch của thông tin. Theo đó, dữ liệu thông tin của ngân hàng phải rất chuẩn xác và được tích luỹ trong nhiều năm. Đó là cơ sở để xác định tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, rủi ro đối với từng nhóm khách hàng để xây dựng được khẩu vị rủi ro tương lai. Dữ liệu cũng đòi hỏi phải được phân loại dưới những chỉ tiêu thống nhất và rõ ràng.