Chiều ngày 7/1, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết: Lợi nhuận riêng lẻ năm 2019 của VietinBank đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch và tăng 83% so với năm ngoái; tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tăng 7,2% so với cuối năm 2018.
Một số chỉ tiêu chủ yếu VietinBank đề ra cho năm 2020 là tổng tài sản tăng khoảng 6 - 8%; tín dụng tăng 8 - 10%; nguồn vốn huy động tăng theo nhu cầu của tăng trưởng tín dụng và sử dụng vốn, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10% trở lên so với 2019.
Theo VPBank, năm 2019 lợi nhuận của ngân hàng vượt 10% so với kế hoạch, đạt khoảng 10.400 tỷ đồng; Vietcombank đã vượt xa kế hoạch, lợi nhuận không dưới 20.000 tỷ đồng, Còn tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với Đại hội đồng cổ đông.
Ngân hàng TPBank cũng vừa phát đi thông tin cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này. Tiếp đến là OCB, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ngân hàng đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018. Đây là mức tăng kỷ lục của ngân hàng này kể từ khi thành lập tới nay.
Theo Thông tư 41/2016/TT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II.
Kiên định về mục tiêu Basel II, ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ 2, Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) khẳng định: Đối với những ngân hàng chưa đáp ứng được chuẩn Basel II là do gặp một số khó khăn như môi trường cạnh tranh ngày càng cao khiến ngân hàng cần phải phát triển thêm hoạt động mới, sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới, ứng dụng công nghệ mới trong khi việc quản lý rủi ro, tính toán tài sản có theo rủi ro trở nên phức tạp hơn và tiềm ẩn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, mỗi cuộc khủng hoảng tài chính đều đem lại những yếu tố mới, do vậy các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và ngay cả NHNN phải luôn luôn chủ động và linh hoạt đối với các chuẩn mực vốn mới.
Theo NHNN, việc quan trọng hàng đầu bây giờ là nhận thức đầy đủ lợi ích, tầm quan trọng của việc áp dụng Basel II, để từ đó có những hành động quyết liệt từ cấp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và tất cả các bộ phận, đơn vị trong ngân hàng, không được coi đây là công việc của riêng quản lý rủi ro.