Trước đó có 17 ngân hàng thương mại - NHTM (15 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) đã đăng ký áp dụng Thông tư 41/2016/TT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước trước thời hạn (quy định về chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II về yêu cầu vốn tối thiểu và nguyên tắc thị trường).
Đến nay một số ngân hàng như: Vietcombank, MBB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank và VPBank, mới đây là SeABank, Ngân hàng Bản Việt đã được Thống đốc NHNN công nhận đạt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Đại diện SeABank cho biết: Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II cho thấy, SeABank có đủ khả năng phòng ngừa các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
Theo ngân hàng MSB, để được công nhận, ngân hàng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực Basel với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 9% (quy định là 8%). MSB cho biết: Việc tuân thủ Basel II đồng nghĩa với việc ngân hàng được công nhận có hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, theo chuẩn quốc tế, giúp ngân hàng nâng cao vị thế, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
“Với phê chuẩn của NHNN, ngân hàng sẽ được quyền tự quản lý dư nợ trên hệ số an toàn vốn. Hiện tại, chỉ số an toàn vốn của Techcombank cao so với trong nước và khu vực ở mức khoảng 14%, các chỉ số sinh lời như ROE và ROE cũng ở mức tốt. Đây là một lợi thế cạnh tranh của Techcombank”, Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh nói.
Theo các chuyên gia, "tốt nghiệp" Basel II sẽ giúp các ngân hàng quản lý hiệu quả hơn, góp phần nguồn vốn mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững. Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt sẽ có cơ hội vươn xa, thâp nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích: Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
“Khả năng quản trị rủi ro tốt hơn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng, giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.