Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) đang từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động.
Theo các chuyên gia ngân hàng, Basel II không chỉ giúp ngân hàng giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra.
Tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn…
Thông tư 41/2016 về chuẩn mực an toàn vốn Basel II, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, với những ngân hàng đảm bảo tiêu chuẩn như VIB và Vietcombank thì có thể đăng ký về NHNN, để xem xét cho phép áp dụng sớm hơn .
Kể từ năm 2013 đến nay, thực hiện mục tiêu áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong ngành ngân hàng, NHNN đã lựa chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm thực hiện, gồm: Vietinbank, BIDV, ACB, VPBank, Techcombank, MB, Hàng Hải…Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II cho thấy ngân hàng có đủ khả năng hoạt động an toàn theo thông lệ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới để phòng ngừa các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động có thể xảy ra.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, chia sẻ: Để được NHNN chấp thuận cho ngân hàng áp dụng sớm Basel II theo Thông tư 41, VIB phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn để đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Kết quả triển khai thành công Basel II đã giúp VIB đưa ra các chiến lược kinh doanh và hoạch định tốt chính sách khách hàng, sản phẩm, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.
Trước đó, VIB trở thành ngân hàng thứ 5 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn tất việc mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam, để đưa bảng cân đối tài chính thực sự về một sổ - một bước quan trọng để thực hiện Basel II.
Phía lãnh đạo Vietcombank cho hay: Để hiện thực hóa mục tiêu là ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất, từ năm 2014, Hội đồng quản trị Vietcombank đã chỉ đạo triển khai dự án phân tích chênh lệch giữa yêu cầu của Basel II với hiện trạng Vietcombank, trên cơ sở đó đưa ra Lộ trình thực hiện Basel II với tổng cộng 82 sáng kiến nhằm đáp ứng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào năm 2018; và đáp ứng phương pháp nâng cao vào năm 2019.
Chương trình Basel II đã giúp Vietcombank tiếp tục nâng cao văn hóa quản trị và kiểm soát rủi ro trong toàn hệ thống. VCB đã có các bước điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh doanh và kiểm soát rủi ro theo hướng đa dạng hóa danh mục, tập trung phát triển bán lẻ, mở rộng các hoạt động phi tín dụng.
Trước đó, ngân hàng OCB từng chia sẻ: Basel II đã đem đến những giá trị thiết thực, lợi ích không chỉ cho ngân hàng mà cho cả các khách hàng và cổ đông. Việc triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Đặc biệt, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh.