Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính, lực lượng chức năng đã và đang tập trung toàn lực lượng trên các tuyến, đấu tranh phòng ngừa, bước đầu ngăn chặn thành công một số hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Trước đó theo nhận định của ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ), tình hình gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng… Hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng trên toàn các tuyến đấu tranh phòng ngừa, bước đầu ngăn chặn thành công một số hành vi gian lận xuất xứ.
“Nhóm thứ nhất là giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm tiêu thụ trong nước. Các mặt hàng này được nhập khẩu từ nước ngoài như mặt hàng than, sợi, may mặc, điện tử… khai là hàng Trung Quốc nhưng khi kiểm tra, truy xét, hải quan phát hiện bên trong dán mác “Made in Việt Nam”, thậm chí giấy bảo hành, doanh nghiệp, địa chỉ sản xuất đều là Việt Nam và lấy thương hiệu của Việt Nam. Nhóm này điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.
Nhóm thứ hai là giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, lợi dụng ưu đãi thuế quan từ các nước dành cho Việt Nam. Điển hình TCHQ đã phối hợp với công an và các lực lượng ngăn chặn thành công một doanh nghiệp lớn là Công ty nhôm Toàn Cầu xuất khẩu có dấu hiệu gian lận xuất xứ, đến thời điểm này số nhôm tồn tại Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá vào khoảng hơn 4,5 tỷ USD”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Phía TCHQ cũng bắt giữ tại cửa khẩu, tiến hành truy xét tại nhà máy và trao đổi với Viện Kiểm sát ra quyết định tịch thu hàng trăm container hàng hóa với hơn 40.000 sản phẩm, gồm xe máy điện, xe đạp điện…toàn bộ 100% là hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, tiến hành lắp ráp đơn giản với mục đích giả mạo xuất xứ Việt Nam, thậm chí có sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận C/O để xuất khẩu. Phía hải quan đã kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi C/O này để xử lý.
Đề cập về khó khăn trong xử lý, phía hải quan cho rằng: Hiện có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo. TCHQ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành sửa và bổ sung các quy định. "Ví dụ hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư", ông Nguyễn Văn Cẩn nói. Tổng cục Hải quan đã kiến nghị: Trong quý I/2020, các bộ, ngành tiến hành rà soát, cấp thông tư cần ban hành rõ ràng, cấp nghị định thì sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.
Đề cập về kết quả điều tra của Asanzo, ông Đàm Thanh Thế chia sẻ: Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc với tinh thần khẩn trương, đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Hiện, Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã báo cáo Chính phủ, chuyển cơ quan công an nghiên cứu chứng cứ, tài liệu làm rõ vụ việc trên tinh thần làm đúng, đảm bảo yếu tố pháp luật và quyền lợi cho doanh nghiệp chân chính. Các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, kết quả đến đâu, Văn phòng 389 Quốc gia sẽ công bố đến đó.
Liên quan tới giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Văn phòng BCĐ 389 đã tham mưu cho Trưởng BCĐ 389 Quốc gia ký kế hoạch cao điểm để các lực lượng chức năng đấu tranh ngăn chặn, không để cho tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp và lợi ích người dân. Hiện, các lực lượng chức năng đang tổ chức thực hiện. Văn phòng 389 Quốc gia cũng như cơ quan chức năng đã thành lập các đoàn công tác để đôn đốc các địa phương, lực lượng chức năng thực thi.
Theo BCĐ 389 Quốc gia, năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16%), thu nộp ngân sách nhà nước 20.118 tỷ đồng (tăng gần 4%), khởi tố 1.883 vụ (tăng 30%), 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ 2018).
Đề cập về việc Công ty TNHH xe đạp Excel (100% vốn đầu tư từ Trung Quốc) đã vi phạm xuất xứ hàng hóa, ngày 3/1, đại diện TCHQ cho hay: Hải quan đã trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để thống nhất phương án xử phạt là phạt tiền, tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm gồm linh kiện, linh kiện đang lắp ráp dở dang của xe đạp, xe đạp điện và một số loại xe đạp đã được lắp ráp hoàn chỉnh chưa xuất khẩu đang lưu trong kho của Công ty TNHH xe đạp Excel. Sau khi xử lý vi phạm, TCHQ sẽ thống nhất kiến nghị tới Bộ Công Thương thông báo vi phạm của Công ty TNHH xe đạp Excel đến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền.
-Mặt hàng xe đạp và xe đạp điện xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được hưởng thuế suất 5 -10% trong khi cùng loại hàng này xuất xứ Trung Quốc sang Mỹ là 75%. Như vậy, ttrường hợp doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất sang Mỹ sẽ hưởng mức thuế lớn.