Trả lời về những mặt hàng nào cơ quan hải quan sẽ tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa gian lận, ông Mai Xuân Thành nói: “ Mặt hàng thì khá đa dạng trên một diện rộng. Nhưng nghiên cứu ban đầu của hải quan sẽ tập trung trước hết vào những mặt hàng có đột biến, những mặt hàng tăng trưởng từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhóm hàng như: Điện, điện tử, linh kiện điện tử vẫn trong nhóm có nhiều nguy cơ gia tăng. Ngay cả những mặt hàng thủ công như gỗ, tưởng là thế mạnh của Việt Nam nhưng hiện cũng có biểu hiện gian lận”.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, qua thực tế đấu tranh với các hành vi vi phạm, Tổng cục Hải quan thấy cần bổ sung các quy định liên quan đến nhãn mác hàng hóa; quy định rõ hơn về xuất xứ hàng Việt Nam…Cơ quan hải quan đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Công thương hoàn thiện các quy định về xuất xứ đối với hàng hóa Việt Nam. Ngày 15/11, Tổng cụ Hải quan được Văn phòng Chính phủ mời tham gia cuộc họp bàn với Bộ Công thương về chống gian lận xuất xứ.
Phía cơ quan hải quan cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan nhằm đảm bảo các chế tài đủ sức răn đe. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.
“Để nâng cao hiệu quả chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, một trong những biện pháp cần triển khai ngay là cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thời gian qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp chủ động, cụ thể và hiệu quả trong việc chống gian lận xuất xứ hàng hoá, chuyển tải bất hợp pháp.
Cụ thể: Bộ Tài chính đã sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như: Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận giả mạo xuất xứ hàng hóa.
Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị của hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp tổng cục, cục và chi cục; phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, hợp tác quốc tế và hải quan nước ngoài, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông về xu hướng, hình thức gian lận, các giải pháp của cơ quan hải quan, khuyến nghị đối với doanh nghiệp nâng cao nhận thức không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.
Xây dựng cơ chế kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc). Đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng căn cứ kiểm tra, xác minh khi cấp C/O, kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu… Cụ thể quy định kiểm tra, xác minh sau khi cấp giấy xuất xứ hàng hóa (C/O), Bộ Công Thông yêu cầu: Cơ quan có thẩm quyền nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước thành viên xuất khẩu kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hay tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa hoặc các bộ phận của hàng hóa đó.