Năm 2018: 'Lãi suất ổn định thì được nhưng giảm tiếp thì khó'

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, doanh nghiệp luôn mong lãi suất giảm, nhưng phải đặt câu hỏi lãi suất có phải điểm nghẽn với doanh nghiệp hay không?

Theo ông Cấn Văn Lực, chúng ta phải so sánh lãi suất của Việt Nam và các nước khác và phải so sánh lãi cho vay thực chứ không phải cho vay danh nghĩa. Hiện bình quân lãi suất của Việt Nam ở mức 5 - 12%. Đây là mức trung bình so với các quốc gia thu nhập trung bình thấp tại khu vực và có mức tăng trưởng ngang Việt Nam (Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ...).

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Ông Lực cho rằng khả năng giảm lãi suất là khó, vì 4 nguyên nhân: Lãi suất đầu vào khó giảm; nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42; chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2 - 2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8 - 3%; chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao. "Như vậy, lãi suất giảm tiếp thì rất khó", ông Lực nói.

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng, năm 2017 là năm thành công của ngành Tài chính, bao gồm toàn bộ các ngành Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm, đặc biệt là khu vực ngân hàng. Chúng ta kiên định các mục tiêu tài chính dài hạn và đã được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa (giữa).

Ông Nghĩa dự báo: Năm 2018 vẫn duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn. Chu kỳ dài hạn thì đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá. GDP năm 2018 dự báo chỉ tăng trên 6%, phù hợp với tính toán của các chuyên gia quốc tế.

"Năm 2018, lạm phát mức 4%, lãi suất ổn định, giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Tôi dự đoán, kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng làm bùng nổ", chuyên gia này dự báo.

Liên quan đến khả năng giảm lãi suất ngân hàng, ông Nghĩa cho rằng, nếu giảm được lãi suất tiền gửi thì sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng. Dân sẽ vác tiền đi mua vàng, USD. Nợ xấu là một phần, còn do chi phí quá cao cho bộ máy chính quyền là nguyên nhân làm lãi suất ngân hàng cao. Nhìn vào chi phí vốn của ngân hàng sẽ thấy điều đó. Chúng ta cần tập trung nguồn lực để giảm nó.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Vẫn khó câu chuyện hạ lãi suất ngân hàng
Vẫn khó câu chuyện hạ lãi suất ngân hàng

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay là một trong những chỉ đạo xuyên suốt năm 2017 của người đứng đầu Chính phủ đối với toàn ngành ngân hàng. Nhưng tới giờ thì mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp dường như vẫn chưa thực hiện được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN