Trong 16 chuyên gia tham gia khảo sát của Kitco, có 11 phiếu (69%) nhận định giá vàng sẽ tăng, có 3 phiếu (19%) nhận định giá vàng giảm, trong khi đó 2 phiếu (12%), nhận định giá vàng đi ngang.
Giá vàng tuần qua diễn biến khá mờ nhạt. Ảnh: BTMC.
|
Trong khi đó, cuộc bình chọn từ thị trường thu được 808 ý kiến. Tổng cộng có 449 ý kiến cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới (56%), 231 ý kiến (29%) nhận định giá vàng sẽ giảm, trong khi đó 128 ý kiến (16%), cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Charlie Nedoss - nhà chiến lược thị trường cấp cao của Tập đoàn LaSalle Futures cho rằng, giá vàng có tiềm năng sẽ tăng lên mức trung bình 20 ngày và ở quanh mức 1.271 USD. Trong khi đó, Adrian Day, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Adrian Day Asset Management cho biết, tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tăng cao, và sự bất ổn của thị trường chứng khoán, sẽ hỗ trợ giá vàng trong tuần tới.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 7/7, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 36,75 – 36,93 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá mua bán này không đổi so với chiều 6/7. Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,75 – 36,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với chiều qua.
Tại hệ thống Doji, giá vàng SJC giao dịch tại TP Hồ Chí Minh ở mức 36,78 - 36,88 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng ở cả giá mua và giá bán so với phiên trước; còn tại Hà Nội niêm yết ở mức 36,78 – 36,86 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng so với ngày 6/7. Nhẫn vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu niêm yết mua – bán ngày 7/7 ở mức 35,46 – 35,91 triệu đồng/lượng ngang giá so với chốt phiên trước, chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán của công ty này là 450.000 đồng/lượng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng miếng trong nước được Doji niêm yết tại ngưỡng 36,71-36,81 triệu đồng/lượng, tăng 10.000 đồng/lượng so với choonts phiên trước đó. Trong phiên, giá vàng điều chỉnh tăng thêm khoảng 30.000 đồng/lượng và chốt phiên ở mức 36,74 - 36,84 triệu đồng/lượng.
"Trong phiên giao dịch ngày thứ 6, lượng khách tham gia giao dịch khá thưa thớt, chủ yếu là khách nhỏ lẻ tương tác theo chiều mua vàng vào, chiếm 60% trên tổng số lượng khách tham gia giao dịch tại Doji", đại diện Doji nói.
Nhìn lại tuần qua, thị trường vàng trong nước giao dịch khá mờ nhạt. Mức nhảy giá không đáng kể so với nhịp tăng giảm của giá vàng thế giới. Điều này khiến cho khoảng cách giá giữa 2 thị trường ngày càng giãn rộng, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn gần 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Trong tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận mức giá thấp nhất: 36,66 - 36,76 triệu đồng/lượng, trong khi mức giá cao nhất ghi nhận tại mức 36,75 - 36,95 triệu đồng/lượng. Tính trung bình trong tuần qua, mỗi lượng vàng điều chỉnh tăng giảm khoảng 100.000 đồng/lượng.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, tuần qua thị trường vàng trong nước giao dịch khá ảm đạm do mức điều chỉnh giá thấp không theo kịp thị trường quốc tế, chủ yếu là khách mua nhỏ lẻ. “Nhu cầu sở hữu vàng chỉ tập trung ở một vài phiên giữa tuần trong khi ở hầu hết các phiên khác các nhà đầu tư giao dịch với tâm lý dè dặt, nghe ngóng các thông tin từ thị trường thế giới khiến thị trường diễn ra khá phẳng lặng”, báo cáo Doji nhận định.
Trên thị trường thế giới, tới đầu giờ sáng 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.254,40 USD/oz. Giao dịch trong phiên dao động quanh ngưỡng 1.253,10 - 1.259,70 USD/oz.
Trong phiên ngày 6/7, giá vàng điều chỉnh giảm biên độ 1.252,83 - 1.258,9 USD/once trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại tranh chấp thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ bùng phát thành một cuộc chiến. Kim loại quý này đang hướng đến mức tăng 0,3% trên cả tuần, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong vòng 4 tuần qua. Phiên này, đồng USD yếu đi xuống còn 94,5 so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Sau khi Fed đã công bố báo cáo với nhiều thông tin đáng lo ngại về cuộc chiến thương mại gia tăng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện, giới đầu tư trên toàn cầu cũng tỏ ra thận trọng và dồn sự chú ý vào các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc đối với động thái áp thuế của Mỹ. Theo đó, Mỹ đã bắt đầu thu thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD vào ngày 6/7 trong lúc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này buộc phải đưa ra những biện pháp đáp trả.