Lúc gần 10 giờ ngày 30/6, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 36,63 - 36,73 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 10.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Tập đoàn Phú Quý cũng niêm yết ở mức trên với giá vàng miếng cùng thương hiệu, tăng 20.000 đồng và 30.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Giá vàng tuần qua "lao dốc". Ảnh: Doji. |
Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/6, giá vàng trong nước được Doji niêm yết tại ngưỡng 36,61 - 36,71 triệu đồng/lượng, giá giảm so với chốt phiên trước 30.000 đồng/lượng. Trong phiên, giá vàng điều chỉnh giảm thêm khoảng 10.000 đồng/ lượng, về cuối phiên giá vàng chốt tại: 36,60 - 36,70 triệu đồng/lượng.
Nhìn lại tuần qua, giá vàng trong nước lao dốc theo cùng diễn biến giảm của giá vàng thế giới. Từ mức giá cao nhất 36.80 - 36,90 triệu đồng/lượng (phiên đầu tuần), giá vàng thoái lui theo từng bậc ở các phiên tiếp theo, có thời điểm chạm ngưỡng thấp nhất: 36,60 - 36,70 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính từ mức cao đến mức thấp nhất trong tuần qua, mỗi lượng vàng điều chỉnh giảm khoảng 200 nghìn đồng - mức thấp nhất trong vòng 4 tuần qua.
Theo đánh giá của Doji, cùng chung diễn biến giảm, thị trường vàng trong nước đan xen tâm lý trái chiều. Xu hướng đứng ngoài thị trường do e ngại về điểm dừng chân tiếp theo không rõ ràng của giá vàng khiến thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch không mấy thành công. Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư vẫn thiên về xu hướng bán vàng ra trước những động thái không mấy sáng sủa của giá vàng thế giới.
Thị trường vàng vừa trải qua tháng 6 và quý II/2018 không nhiều biến động. Trong tháng này, gần nửa đầu tháng, giá xoay quanh mốc 36,70 triệu đồng/lượng, sau đó từ ngày 11/6 giá tăng mạnh và vượt mốc 37 triệu đồng/lượng vào ngày 13/6. Diễn biến tăng trên chủ yếu xuất phát từ thị trường trong nước bởi sức cầu tăng. Sau khi chạm mức đỉnh của tháng, giá giảm dần rồi xoay quanh mức 36,90 triệu đồng/lượng và giảm dần vào tuần cuối cùng của tháng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, giá biến động mạnh nhất vẫn là thời điểm ngày vía Thần Tài diễn ra vào tháng 2, giá lên trên 37,60 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá vàng chỉ tăng khoảng 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, tới đầu giờ sáng 30/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.252 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.250 USD/ounce.
Hiện giá vàng thấp hơn 3,9% (50,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 34,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,1 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.
Trong ngày 29/6, giá vàng thế giới giao động quanh ngưỡng 1.248,3 – 1.256,6 USD/Oz. kim loại quý này hướng đến tháng giảm giá mạnh nhất trong 19 tháng. Kim loại quý này đang hướng đến tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp, giảm 1,4% từ đầu tuần đến nay. Đà giảm của vàng đã chững lại thay vào đó là mức tăng nhẹ khiêm tốn trong phiên cuối tuần khi đồng USD giảm giá khá mạnh với mức giảm 0,72%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết: Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong tháng 5 là 0,2% trùng với nhận định của giới chuyên gia. Lạm phát sau khi loại trừ giá năng lượng và thực phẩm bất ổn đã tăng 0,2% trong tháng 5. Lạm phát tính theo năm là 2% trong tháng 5 đây là mức lạm phát cao nhất kể từ 4 năm 2012.
Tuần qua, giá vàng thế giới tiếp tục tụt giảm khá nhanh và đã xuống mức thấp nhất trong 1 năm, đồng USD được dự báo còn tăng tiếp là áp lực lớn đối với mặt hàng kim loại quý. Hiện giá vàng thấp hơn 4,0% (51,5 USD/ounce) so với cuối năm 2017. Riêng trong tháng 6, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 3%.
Giá vàng thế giới tiếp tục xuống dốc và hiện đang ở đáy trong 1 năm do giới đầu tư lo ngại đồng USD sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt trong khi Trung Quốc đang làm điều ngược lại. SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, trong tuần qua giảm 7 tấn xuống còn 821,69 tấn.