Mừng ít, lo nhiều khi giá lợn liên tục tăng cao dịp cuối năm

Khoảng một tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng cao kéo theo giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường cũng “leo thang” chóng mặt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn lợn cộng với nguồn cung khan hiếm, giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến rất gần và đây là một trong những nhóm hàng thực phẩm được người dân sử dụng nhiều trong kỳ nghỉ Tết.

Chú thích ảnh
Giá thịt lợn tăng khiến người tiêu dùng lo lắng, khó khăn trong cân bằng chi tiêu. 

Theo các chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thời điểm hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng đã đạt mốc 80.000-85.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019. Anh Ngô Thanh Hương, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phấn khởi cho hay: “Khoảng một tháng trước, tôi xuất bán 14 con lợn thịt với giá khá cao 70.000 đồng/kg lợn hơi, thu về gần 100 triệu đồng; trong đó lãi gần một nửa. Hiện, số lợn thịt trong trang trại và nhiều hộ chăn nuôi ở đây còn rất ít, khả năng giáp Tết nguồn cung thịt lợn sẽ khan hiếm hơn”
 
Cũng theo anh Hương, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi bùng phát thời gian qua khiến giá lợn biến động lên xuống thất thường. Không ít hộ đã “treo chuồng” không nuôi lại, những trang trại chăn nuôi lớn cố gắng cầm cự nhưng số lượng nuôi giảm đáng kể, với các gia trại nhỏ lẻ cũng có tâm lý lo sợ dịch bệnh nên chưa dám tái đàn. Từ đó, dẫn đến cung không đủ cầu đẩy giá thịt lợn lên cao.
 
Mặc dù giá lợn đang cao, nhưng nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng lo lắng không kém vì sức mua của người dân giảm hẳn. Theo các tiểu thương các chợ ở thành phố Đồng Hới, giá mua vào tăng khiến giá bán ra cũng tăng. Hiện giá thịt lợn tăng từ 40.000 - 70.000 đồng/kg và tăng từng ngày. Tùy từng loại thịt (ba chỉ, nạc thăn, mông, đùi, sườn…) có giá bán khác nhau và dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg.
 
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, tiểu thương chợ Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết: Những ngày qua, dù sức mua của người dân có tăng nhưng so với thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát thì vẫn chưa mạnh. Nguồn cung đã khan hiếm, sức mua không tăng, hàng bán ra ế ẩm.
 
“Thường ngày, tôi nhập bán từ 2 -2,5 tạ thịt lợn nhưng nay chỉ bán được dưới 1 tạ thịt, việc kinh doanh bấp bênh và gặp nhiều khó khăn”, chị Trang nói.

Chú thích ảnh
Không ít bà nội trợ tìm đến các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, các cơ sở bán thực phẩm sạch trên địa bàn để chọn mua thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn. 

“Cơn lốc” giá thịt lợn liên tục tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý mua hàng của người tiêu dùng. Với gia đình chị Lê Thị Thía (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), các món ăn chế biến từ thịt lợn được xem là một trong những món ăn chính của cả nhà. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cùng với giá thịt tăng, khiến chị Thía luôn “đau đầu” mỗi khi đi chợ chọn mua thức ăn cho gia đình.
 
Chị Thía cho biết: “Một ngày có thể không ăn thịt lợn nhưng nếu cả tuần không có món này thì bữa cơm không biết ăn gì. Nhưng giá thịt lợn hiện nay tăng đến “chóng mặt” làm ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối chi tiêu của gia đình tôi. Những người nội trợ như chúng tôi mong rằng, từ nay đến giáp Tết, giá cả thịt lợn sẽ được điều chỉnh, bình ổn trở lại để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, tiêu dùng”
 
Không ít bà nội trợ lại tìm đến các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, các cơ sở bán thực phẩm sạch trên địa bàn để chọn mua thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn. Bởi theo họ, nguồn hàng tại đây mặc dù giá có tăng nhẹ nhưng nguồn gốc hàng hóa luôn rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn.
 
Chị Lệ Hằng (ở phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) nói: “Tôi thường tìm mua nguồn thực phẩm tươi sống tại siêu thị Co.op mart Quảng Bình. Các mặt hàng rau, củ, quả, thịt lợn tại đây tươi, ngon và nhất là rõ ràng nguồn gốc, giá cả bình ổn, công khai. Mặc dù giá thịt lợn cũng có tăng nhưng tôi vẫn rất an tâm khi mua hàng ở đây cho gia đình mình”.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn lợn. Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh, tính đến ngày 1/10, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước tính 235.000 con, giảm 29% so cùng kỳ năm ngoái.
 
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, Sở đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương về việc tái đàn lợn có kiểm soát; tập trung phát triển các loại gia súc gia cầm khác, tập trung nuôi các loại thuỷ sản để bù đắp lượng thịt thiếu hụt.

Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tập trung nguồn lực, tăng cường kiểm soat dịch tả lợn châu Phi. Những địa phương qua 30 ngày không tái phát dịch Sở chỉ đạo tái đàn lợn có kiểm soát; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống và thức ăn, áp dụng các biện pháp, đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên đàn lợn…
 
Trước tình hình nguồn cung thịt lợn khan hiếm, giá thịt lợn liên tục tăng cao, trong khi Tết Nguyên đán đang cận kề, người tiêu dùng, người bán mặt hàng thịt lợn mong muốn việc bình ổn thị trường giá cả thịt lợn cần được triển khai nhanh. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người sản xuất và cả người tiêu dùng, góp phần giúp nhân dân đón Tết cổ truyền an toàn, tiết kiệm và vui tươi.

Tin, ảnh: Võ Dung (TTXVN)
Phó Thủ tướng phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì để giá thịt lợn tăng cao
Phó Thủ tướng phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì để giá thịt lợn tăng cao

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN