Năm 2018 hứa hẹn có nhiều thuận lợi khi Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn cùng với đó nền tài chính được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thì sẽ lại có thêm nhiều cơ hội mới được mở ra.
Làm sao để thị trường vốn hấp dẫn thực khách?Theo truyền thống ngày tết cổ truyền, các gia đình người Việt Nam đều chuẩn bị những món ăn truyền thống để đãi khách. Phần đa là các món ăn không mới thế nhưng làm sao để các vị khách cảm thấy ngon miệng và hào hứng nhập tiệc thì đó là nhiệm vụ của chủ nhà. Thị trường vốn Việt Nam cũng được ví von như những mâm cỗ truyền thống ngày tết và sức hấp dẫn của nó đã phần nào được cải thiện trong năm 2017 với nhiều bước đột phá từ việc thoái vốn.
Thương vụ thoái vốn đình đám tại Vinamilk. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Hai thương vụ thoái vốn đình đám năm 2017 là việc các nhà đầu tư ngoại đã bỏ ra gần 120.000 tỷ đồng để mua hơn 53% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và 3,33% tại Vinamilk. Hai phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay.
Một động thái khác cũng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi ngay trong tháng 1/2018, Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Dầu khí cũng đã thực hiện việc đấu giá và thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vndirect nhận định, sắp tới, khi các doanh nghiệp như MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam… sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hứa hẹn tiếp tục mang đến sự chú ý cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thị trường vốn hồi phục đã tạo hiệu ứng tốt cho cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, hỗ trợ hoạt động ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Dự báo trong năm 2018, thị trường vốn sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động này.
Theo báo cáo “Tổng quan thị trường tài chính năm 2017” của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế năm 2017 được dự báo cao hơn mức 6,7% và tăng hơn 0,49 điểm phần trăm so với năm 2016. Kết quả này có được nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt.
Nền tảng vĩ mô tiếp tục được thiết lập vững chắc: lạm phát ước khoảng 3,15% (năm thứ 4 liên tiếp dưới 5%); niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được củng số khi vốn FDI, ODA đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng mạnh; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 47 tỷ USD; nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát…
Những con số trên cũng với những nỗ lực của cơ quan quản lý điều hành thị trường trong năm 2017 được các chuyên gia nhận định là tổng hòa những yếu tố tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn những tồn tại được chỉ ra và rất đáng phải lưu tâm. Theo ông Vũ Bằng, dù thị trường chứng khoán vừa qua tăng trưởng tốt nhưng ông Bằng cũng cho rằng thị trường đang có “tín hiệu nóng” khi giao dịch ký quỹ (margin) cao gấp hai lần năm 2016. Tuy vậy, dòng tiền vẫn chưa tính hết từ ngân hàng vào cổ phiếu ra sao hay cho vay tiêu dùng nhưng chạy vào bất động sản, cổ phiếu. Điều này đã làm cho việc dẫn dòng vốn chưa được như ý muốn.
Để xử lý vấn đề này thì trong lúc thị trường chứng khoán tăng trưởng, việc tốt nhất là tiến hành cổ phần hóa nhanh chóng, thúc đẩy cơ hội bán vốn giá cao, hút tiền… Đây cũng là cơ hội để năm 2018, các ngân hàng tăng vốn đáp ứng điều kiện theo quy định Basel II và là thời điểm tốt để cải cách, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Đề cập về vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán 1,85 tỷ USD năm 2017 (chưa kể M&A), chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lưu ý “đằng sau dòng tiền đó là ai, từ nước nào, từ ai và vượt câu chuyện hiệu quả kinh tế thuần túy”. Việc bán cổ phần của Sabeco và thu về 4,8 tỷ USD là tốt nhưng điều quyết định hơn là chi tiêu ra sao và hiệu quả dài hạn của Sabeco thế nào.
Về ảnh hưởng của dòng vốn ngoại đổ vào nhiều khi năm 2018, Chính phủ đẩy mạnh lộ trình thoái vốn nhà nước nhiều hơn, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách tài chính (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), nhận định, điều sẽ gây áp lực tăng giá lên đồng Việt Nam. Nếu đồng Việt Nam lên quá cao sẽ khuyến khích nguồn lực từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chảy sang khu vực dịch vụ, nhất là bất động sản và nếu thái quá sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Cũng theo dự báo của ông Tú, năm 2018 cán cân tài chính tốt, không phụ thuộc vào tăng lãi suất trên thế giới và điều này có được là lẽ là do nhà đầu tư nhìn triển vọng kinh tế Việt Nam hơn.
Niềm tin tạo ra cơ hộiĐầu năm 2017, không ai dám tin thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 50% và tiếp tục được dự báo sẽ diễn biễn sôi động trong năm 2018.
Ngày 9/2/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) diễn ra phiên bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3). Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN |
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong những ngày đầu năm 2018, quy mô vốn hóa tăng thêm 10%, đạt khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77,2% GDP. Thanh khoản bình quân phiên đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 90% so với bình quân cả năm 2017 và tăng 46% so với bình quân phiên quý IV/2017. Năm 2017, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016, tương ứng 70,2% GDP.
Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD - tăng 90% so với cuối năm 2016. Điều này cho thấy sức hút và sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam. Hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Tính đến cuối năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên tất cả các sàn giao dịch với giá trị 28.000 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 18.700 tỷ đồng trái phiếu. Tổng cộng là 46.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong tất cả các phiên giao dịch của tháng 1/2018, với tổng giá trị mua ròng đạt 7.200 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng để tăng trưởng lôi kéo nhà đầu tư chính là niềm tin và niềm tin của nhà đầu tư năm 2017 cùng những ngày đầu năm 2018 là rất lớn.
Ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tăng trưởng và nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn. Điều đó khác xa với cảm xúc khi thị trường chứng khoán tăng trưởng năm 2007. Thị trường có lên có xuống chứ không như cách đây 10 năm, bảng điện tử chỉ có 1 bên xanh hoặc đỏ, lượng mua hoặc bán trống trơn khi “nhà đầu tư cái gì cũng mua”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhìn nhận, thị trường chứng khoán phát triển tốt là do quan điểm Chính phủ điều hành theo hướng Chính phủ sẽ không huy động nguồn lực mà định hướng chính sách, để các thành phần kinh tế khác huy động vốn, tạo sự lành mạnh, hiệu quả và nền kinh tế phát triển tốt.
Cũng theo ông Hưng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mạnh tay với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán như rút giấy phép hành nghề 1 tổng giám đốc công ty kiểm toán, phạt mạnh với nhà đầu tư cá nhân trục lợi trên thị trường đã tăng niềm tin cho nhà đầu tư và số tiền đổ vào Việt Nam, vào thị trường ngày càng tăng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị trường.
Về triển vọng kinh tế năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tiếp tục thuận lợi khi kinh tế thế giới được dự báo tăng cao hơn năm 2017, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn so với năm 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính thời gian gần đây.
Thực tế cho thấy, bên cạnh kênh chứng khoán thì dòng vốn tín dụng hiệu quả và chất lượng hơn khi được phân bổ tập trung vào khu vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên cũng đã tạo ra được diện mạo mới, sức khỏe mới cho nền kinh tế và từ đây niềm tin cũng như nhiều cơ hội đầu tư được mở ra.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo, cung ứng vốn của hệ thống tài chính cho nền kinh tế cuối năm 2018 sẽ tăng 19,3% so với năm 2017. Trong đó, cung ứng vốn từ thị trường vốn tăng 22,5% và từ hệ thống tổ chức tín dụng tăng 17,5%. Không khó để nhận thấy sẽ có những cơ hội đầu tư mới trong năm 2018 được mở ra từ những cơ hội đầu tư thành công trong năm 2017.