Tuyển hương sau khi phơi khô. |
Nghề làm hương ở xã Quốc Tuấn đã có từ rất lâu đời. Việc sản xuất, tiêu thụ diễn ra quanh năm nhưng mấy tháng cuối năm mới thực sự là mùa cao điểm. Xã có 3 thôn: Đông Thôn, An Xá và Trực Trì đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006. Hiện toàn xã có khoảng 100 hộ gia đình sản xuất hương.
Ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quốc Tuấn cho biết, nét đặc biệt của hương Quốc Tuấn là chủ yếu làm từ dược liệu, không hóa chất nên người tiêu dùng rất yên tâm sử dụng. Hương có mùi thơm dịu, khi thắp không bị tắt giữa chừng, tàn cuộn đẹp và không bị vụn. Thị trường của hương Quốc Tuấn giờ đây rải khắp cả nước, đặc biệt tiêu thụ mạnh dịp Tết.
Với những gia đình có 4 đời làm hương truyền thống như gia đình bà Nguyễn Thị Vĩnh (thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn), việc chuẩn bị hàng Tết đã bắt đầu từ cách đây 4 tháng. Khác với phần lớn các hộ làm cùng nghề trong xã, gia đình bà Vĩnh sản xuất hương bài - loại hương làm từ nguyên liệu chính là cây hương bài, một loại thảo mộc được nhập từ Nghệ An.
Bà Vĩnh cho biết, bắt đầu từ khoảng tháng 10, tháng 11 đã có nhiều đại lý các tỉnh liên hệ để cất hàng. Hiện nay, ngoài nhưng khách hàng cũ vẫn lấy hàng thường xuyên thì còn nhiều khách mới tìm về.
“Dịp cuối năm, trung bình mỗi tháng, nhà tôi bán được từ 300 - 400 thùng hàng. Mỗi thùng từ 2,5 đến 3 vạn nén. Lượng hương bán ra dịp này chiếm khoảng 2/3 sản lượng của cả năm. Mấy hôm nay, làm không kịp bán”, bà Vĩnh kể.
Cơ sở sản xuất của gia đình bà Vĩnh đang thuê 6 lao động, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Những tháng làm hàng Tết, thu nhập người lao động tăng lên 5 triệu đồng/người/tháng.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, quy trình sản xuất hương ở Quốc Tuấn ngày càng được cải tiến. Trước kia, làm hương phải trông thời tiết, chỉ có trời nắng mới có thể đem phơi hương; phơi nắng thì hương mới thơm và bảo quản được lâu. Thế nhưng hiện nay, nhờ máy sấy hương, hầu hết các gia đình sản xuất được quanh năm.
Cơ sở sản xuất của bà Vĩnh đầu tư 6 máy bắn tăm hương tự động và 1 máy sấy hương. Ước tính năm 2017, gia đình bà bán được khoảng 1.500 thùng, tương đương với khoảng 45 triệu nén hương. Trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, gia đình lãi khoảng 300 triệu đồng.
Không riêng nhà bà Vĩnh, mà tại hầu hết tại 100 gia đình làm nghề, càng gần Tết, nhà nào cũng tất bật: sáng, trộn bột và bắn tăm hương; chiều, tập trung vào phơi hương, đóng gói. Công việc không quá nặng nhọc, thậm chí có những cụ già đã ngoài 70 tuổi cũng vui vẻ góp công giúp con cháu.
Hương thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường. |
Với diện tích rộng 1.500 m2, có 15 máy bắn tăm hương tự động, thuê 30 nhân công, hiện nay mỗi ngày, cơ sở hương trầm thảo mộc Bảo Phong của gia đình anh Đàm Đức Lợi (thôn Đông Thôn) sản xuất từ 40 - 50 vạn nén hương phục vụ thị trường Tết. Dịp cuối năm, cơ sở này bán ra thị trường khoảng 300 thùng hương/tháng, gấp 4 - 5 lần so với những tháng khác.
Không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm, nghề hương còn giúp gia đình anh Lợi tạo việc làm cho 30 lao động từ 35 - 60 tuổi, thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Năm 2018, anh sẽ mở rộng quy mô khu vực sản xuất lên khoảng 2.000 m2.
Nghề làm hương ở Quốc Tuấn ngày càng phát triển góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã. Ông Nguyễn Bá Dũng cho biết, từ chỗ làm thủ công, nhỏ lẻ, khoảng 5 năm trở lại đây, các cơ sở đều đã đầu tư máy móc hiện đại. Sản xuất hương góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người xã Quốc Tuấn đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,76%. Những gia đình khá giả nhờ làm hương, xây được nhà cao tầng, sắm được ô tô không còn là chuyện hiếm ở xã.