Điều đáng nói là nếu như khoảng trung tuần tháng 8, lãi suất tăng tập trung vào các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tại các ngân hàng nhỏ thì nay, tại các ngân hàng lớn, lãi suất nhiều kỳ hạn cũng đã được điều chỉnh.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại chi nhánh Sở giao dịch lên mức 6,5%/năm sau nhiều tháng giữ ổn định ở mức 6,4%/năm. Đây không phải là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đầu tiên điều chỉnh lãi suất thời gian qua.
Trước đó, 3 "ông lớn" Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã công bố tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn thêm 0,1 - 0,2%/năm.
Đáng chú ý hơn nữa khi BIDV tiếp tục khuyến khích khách hàng gửi tiền tại ngân hàng này bằng cách cộng tới 0,2% lãi suất cho các khách hàng gửi tiết kiệm online trên BIDV SmartBanking, BIDV Online và BIDV Bankplus từ ngày 5/9/2018. Cụ thể, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng và cộng 0,1%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống (lãi suất cộng thêm được tính so với lãi suất niêm yết của tiền gửi huy động tại các phòng giao dịch).
Những tưởng, "cuộc đua" tăng lãi suất để hút nguồn tiền từ trong dân chỉ nằm ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn cho quý cuối năm, nhưng những sự điều chỉnh gần đây của các ngân hàng lớn dường như đang phản ánh một nhu cầu khác.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ngay cả các ngân hàng lớn cũng đang tìm cách tăng lãi suất để thu hút vốn có lẽ bắt nguồn từ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ rút từ 45% hiện tại xuống còn 40% vào đầu năm 2019. Việc rút 5% trong tổng số dư nguồn vốn huy động ngắn hạn như vậy là một khối lượng rất lớn. Do đó, dù có tính thanh khoản cao thì các ngân hàng lớn cũng vẫn cần cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ trên.
Mặt khác, đến hẹn lại lên, vào dịp này mỗi năm các ngân hàng lại lục đục tăng lãi suất để chuẩn bị cho nhu cầu vốn tăng cao, phục vụ doanh nghiệp vay vốn chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh năm sau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được coi là có tính chu kỳ của việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động thời gian qua.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại có động thái ngược lại, trong đó phải kể tới Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Từ ngày 1/9, ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,2 - 0,5% ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động tiết kiệm thường từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại VPBank giảm nhẹ 0,2% xuống còn 4,6 đến 4,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm tới 0,5% xuống còn từ 6,2 đến 6,7%/năm.
Tuy nhu cầu vốn cho những tháng cuối năm thường tăng cao nhưng nhiều ngân hàng năm nay được giao chỉ tiêu tín dụng tương đối thấp, chỉ ở mức 10-11% và họ đã gần đạt được chỉ tiêu đó nên từ nay đến cuối năm các ngân hàng này không còn nhiều cơ hội cho vay nữa. Do đó, một số ngân hàng có nhu cầu huy động thấp vì nếu vẫn cứ huy động mà không cho vay ra sẽ tạo ra chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
"Nói chung trong hệ thống ngân hàng, room tín dụng (giới hạn cho vay) không còn nhiều nên nhu cầu tăng vốn ngắn hạn trong cả hệ thống là không lớn, nhưng nhu cầu hấp thụ vốn trung dài hạn thì vẫn có, ngay cả với ngân hàng lớn", ông Hiếu đánh giá.
Ngoài ra, những biến động về lãi suất trong nước gần đây cũng không loại trừ nguyên nhân từ những tác động của tình hình thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày một căng thẳng. Trong cuộc chiến thương mại toàn cầu như vậy, Trung Quốc đối phó bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ (NDT), khiến đồng tiền này mất giá khá sâu so với đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam (VND) chỉ mất giá khoảng 3% so với USD làm cho giá trị VND tăng lên so với NDT, tạo áp lực lên tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất tiền đồng.
Nhu cầu vốn của các ngân hàng có dấu hiệu tăng cao không chỉ được ghi nhận trên thị trường 1 (thị trường huy động từ dân cư) mà ngay cả trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất hiện cũng đang neo ở mức cao trên 4%/năm dù đã phần nào hạ nhiệt so với trước đó.
Cụ thể, báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tuần vừa qua (27-31/8/2008) giảm 0,13% về mức 4,35%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,034% về mức 4,432%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,044% về mức 4,512%/năm.
Thông thường, khi các ngân hàng không cho vay được nhiều mà lại có lượng huy động lớn thì thanh khoản sẽ rất dồi dào nhưng việc lãi suất tăng cao trên thị trường liên ngân hàng đang phần nào chứng tỏ điều ngược lại.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua tăng cao do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Kho bạc Nhà nước rút tiền hiện đang gửi tại các ngân hàng thương mại đặc biệt là tại các ngân hàng có vốn nhà nước. Điều này tạo ra sự thiếu hụt nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng, đẩy lãi suất trên thị trường này lên cao.
Tuy vậy, đó không phải lý do duy nhất bởi để ổn định thị trường ngoại tệ, Ngân hàng nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ, đồng thời hút vào một lượng tiền đồng tương ứng, gây nên sự thiếu thanh khoản trên thị trường tiền tệ đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng lên.
"Có lẽ thanh khoản trong ngân hàng không dồi dào như ước định mà thậm chí hiện tượng lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng còn thể hiện thanh khoản đang căng trên thị trường ngân hàng nói chung", ông Hiếu nhận định.
Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều biến động trên thế giới ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam, áp lực từ cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng mạnh mẽ sẽ tác động không nhỏ đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Trước những biến động này, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng hoặc ít nhất sẽ giữ ở mức như hiện tại.