Tiểu thương bán hàng tại khu chợ ở phường Nhân Chính, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, mang theo nguy cơ mưa lớn, úng ngập và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp; trong đó, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội được xác định là lực lượng nòng cốt trong việc giám sát thị trường, kiểm soát nguồn hàng thiết yếu, giữ ổn định giá cả và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong bối cảnh thiên tai.
Bám sát địa bàn, phản ứng nhanh trong mọi tình huống
Ngay khi nhận thông tin cảnh báo bão số 3 có khả năng đổ bộ vào thành phố Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tại các chợ, siêu thị, trung tâm phân phối và các điểm bán hàng thiết yếu.
Ông Trịnh Quang Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang triển khai cao điểm kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá, chất lượng hàng hóa, nhất là với các mặt hàng dự trữ như gạo, nước uống, thực phẩm chế biến, đèn pin, áo mưa, dầu ăn, thuốc y tế… Các đội quản lý thị trường đã được phân công theo địa bàn, kết hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các phường, xã để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nếu có”.
Bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp tại các chợ và cơ sở kinh doanh, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường giám sát các kênh bán hàng online, nơi tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các đối tượng lợi dụng thiên tai để trục lợi thông qua việc bán hàng không rõ nguồn gốc, đội giá bất thường.
Doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền
Theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ thiên tai của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã đăng ký tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với tổng kinh phí tạm tính hơn 122 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp giám sát việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp, đảm bảo hàng hàng hóa có chất lượng, đúng chủng loại và số lượng đã đăng ký.
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp phân phối thực phẩm tham gia chương trình bình ổn cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kho lạnh, phương tiện vận chuyển và nhân sự ứng trực 24/24 trong những ngày bão. Ngoài lượng hàng hóa đăng ký với thành phố, doanh nghiệp cũng dự trữ thêm để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu”.
Chi cục Quản lý thị trường đánh giá cao sự phối hợp chủ động và nghiêm túc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ hay tăng giá bất thường. Đồng thời, Chi cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc quy định về nhãn mác, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản, vận chuyển hàng hóa trong điều kiện thời tiết mưa bão.
Người dân không còn tâm lý hoang mang, tích trữ
Trái với những năm trước, khi có thiên tai, nhiều người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ dẫn đến hiện tượng “cháy hàng”, thì năm nay, với sự tuyên truyền, định hướng kịp thời từ các cơ quan chức năng, tâm lý của người dân đã bình tĩnh hơn, chủ động hơn.
Là người thường hay đi chợ sớm để chuẩn bị bữa ăn cả ngày cho gia đình, chị Đinh Ngọc Mai (ở phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hôm nay tuy mưa bão nhưng chị cũng chỉ mua thức ăn đủ dùng trong ngày chứ không mua dư thêm để tích lũy, phòng những ngày mưa bão. "Hàng hóa, thực phẩm bây giờ đầy ắp tại các siêu thị lớn, nhỏ nên chúng tôi không phải lo lắng mua dự trữ như mấy năm trước, nhờ thế mà cũng đỡ phải sử dụng lại thức ăn tồn trong nhiều ngày sau mưa bão", chị Mai chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tâm, tiểu thương tại chợ Nhân Chính, phường Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Từ mấy hôm nay, khách có mua nhiều hơn nhưng không còn cảnh chen lấn, mua vét như trước. Mặt hàng rau xanh, mì gói, nước uống tiêu thụ tăng nhưng đều ổn định giá. Lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thường xuyên nên tiểu thương chúng tôi cũng phải giữ đúng đạo đức kinh doanh”.
Chị Lê Thị Huyền (quê ở xã Đông Anh, thành phố Hà Nội) là tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Chứ, phường Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cho biết: “Ngoài việc lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thường xuyên thì Ban Quản lý chợ cũng vận động chúng tôi ký cam kết không tăng giá bán, mặc dù nguồn hàng nhập vào có giảm do ảnh hưởng của thời tiết”.
Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với các phương tiện truyền thông để hướng dẫn người dân nhận diện hàng hóa an toàn, cảnh báo những hình thức gian lận thương mại phổ biến trong mùa mưa bão, khuyến khích mua hàng tại các điểm bán bình ổn và uy tín.
Phối hợp đồng bộ để sẵn sàng ứng phó
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng đã triển khai phương án dự trữ hàng hóa và phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các lực lượng chức năng: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Y tế, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Ủy ban nhân dân các phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lực lượng quản lý thị trường không chỉ kiểm tra hành vi vi phạm thương mại mà còn tham gia giám sát luồng hàng từ kho đến tay người dân, đảm bảo lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt trong mọi tình huống. Trong trường hợp bão gây ngập lụt, chia cắt cục bộ, các đội quản lý thị trường sẽ phối hợp với chính quyền cơ sở để ưu tiên đưa hàng cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng. Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp, xử lý ngay các tình huống phát sinh như thiếu hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng.
Với tinh thần chủ động, sát sao và phối hợp đồng bộ với các lực lượng chức năng, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đang thực hiện tốt vai trò “gác cổng” thị trường trong tình huống thiên tai. Không chỉ xử lý nghiêm vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội còn đồng hành cùng doanh nghiệp và chính quyền cơ sở để giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định tâm lý người dân, tránh hoang mang, xáo trộn không cần thiết.
Ông Trịnh Quang Đức khẳng định: “Đây không chỉ là nhiệm vụ trong mùa bão, mà là trách nhiệm thường xuyên của chúng tôi trong công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững trật tự kinh doanh. Quản lý thị trường Hà Nội sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ”.