Kiểm soát chặt để tránh gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Hành vi gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

Chú thích ảnh
Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao để kiểm tra về hoàn thuế GTGT. Ảnh: TTXVN.

Hoàn thuế GTGT là trả lại cho doanh nghiệp số tiền thuế đã ứng trước theo quy định của pháp luật thuế. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, số tiền thuế GTGT được hoàn nhanh, nhiều doanh nghiệp có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng thanh tra ngành Tài chính đã phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT. 

Một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế mà doanh nghiệp thường lợi dụng như: Khai tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và giảm thuế GTGT đầu ra phải nộp; điều chỉnh thuế GTGT đầu vào và đầu ra không đúng quy định; xác định sai thuế suất đối với hàng hóa. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi gian lận thuế thông qua việc chuyển giá, liên tục khai lỗ để không phải nộp thuế và đã bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện truy thu, truy hoàn cho ngân sách Nhà nước (NSNN) với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

“Gian lận hoàn thuế GTGT sẽ tạo ra sự bất công  giữa các doanh nghiệp, sự méo mó trong môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp làm ăn tử tế bị thiệt thòi, còn doanh nghiệp gian lận lại sống khỏe”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết. Theo ông Trương Thanh Đức, doanh nghiệp khai các lô hàng xuất khẩu có giá trị rất cao, điều đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Thậm chí, doanh nghiệp sử dụng thủ đoạn đăng ký kinh doanh với rất nhiều ngành nghề, nhưng thực tế không có trụ sở kinh doanh, kho hàng, thành lập ra doanh nghiệp là để bán hóa đơn GTGT cho các cá nhân và tổ chức hoạt động kinh doanh khác sử dụng vào việc hợp thức hàng hóa buôn lậu, trốn thuế hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước. 

Để tránh thất thu thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế, Hải quan kiểm tra chặt hồ sơ kê khai hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoàn thuế, sớm áp dụng hóa đơn điện tử, dữ liệu lớn hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc để ngăn chặn tình trạng hoàn thuế khống, sử dụng hóa đơn giả.

Đối với những trường hợp vi phạm, Bộ Tài chính sẽ chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT gian lận, lập hồ sơ khống, quay vòng, sử dụng hóa đơn giả... nhằm thu hồi đầy đủ số tiền thất thoát vào NSNN. Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế GTGT.

Minh Phương/Báo Tin tức
Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng dự án BOT
Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng dự án BOT

Theo văn bản kiến nghị của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng của dự án BOT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN