KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu, cơ quan tài chính trên địa bàn thường xuyên rà soát đối chiếu các khoản thu, xử lý các tài khoản tạm thu, tạm giữ, điều chỉnh các khoản hoàn thuế, nộp nhầm, nộp thừa…, đảm bảo tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách.
Tính đến 17 giờ ngày 30/12/2020, lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong cân đối đạt 1.448.096 tỷ đồng, bằng 95,75% so với dự toán năm 2020; hệ thống KBNN đã kiểm soát chi thường xuyên ước đạt 943.008 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán chi thường xuyên năm 2020 của NSNN qua KBNN (không gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
“Kết quả này so với cùng kỳ năm 2019, tăng 37.142 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Chi cho hay. Tính đến hết ngày 30/12/2020 về chi đầu tư, ước lũy kế giải ngân vốn đầu tư công là 455.213,4 tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đề cập rõ hơn về kiểm soát chi, Phó Tổng Giám đốc KBNN - ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: Qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 62.196 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định nên yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết; từ chối thực hiện thanh toán 39,6 tỷ đồng. Qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, KBNN từ chối thanh toán 51,9 tỷ đồng tiền chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh nhưng chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định…
Theo ông Nguyên Quang Vinh, đối với công tác chi ngân sách cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tính đến ngày 17/12, tổng số chi theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19 đã đạt 1.220 tỷ đồng và số chi theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 12.820 tỷ đồng.
Về tình hình huy động vốn cho NSNN, ông Nguyễn Đức Chi cho biết: Tính đến hết ngày 30/12/2020, KBNN đã huy động được 333.042,5 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch điều chỉnh năm (339.090 tỷ đồng). Đáng chú ý, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) bình quân là 13,94 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 8,42 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,86%/năm.
“Việc phát hành TPCP kỳ hạn dài, lãi suất thấp đã góp phần tích cực trong việc thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ, nợ công theo hướng an toàn, bền vững theo mục tiêu, chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội và tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, Tổng giám đốc KBNN cho hay.
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi – KBNN chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn thu hụt nên phải cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên. Trong năm 2020, các bộ, ngành ở Trung ương đã tiết kiệm được 700 tỷ đồng kinh phí hội họp, lễ tiết, công tác nước ngoài do dịch COVID-19.
Việc cắt giảm hoa, hội nghị và dừng công tác nước ngoài của các địa phương, KBNN chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo dự đoán, số tiết kiệm chi của cả cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương có thể lên đến nghìn tỷ đồng. "Có thể sang đến giữa quý 1/2021 sẽ có báo cáo chính thức về số liệu tiết kiệm chi thường xuyên liên quan đến chi hội họp, hoa hội nghị và chi đi nước ngoài của cả bộ, ngành Trung ương và các địa phương", ông Trần Mạnh Hà thông tin.