Theo dữ liệu của CoinDesk, tính đến chiều 23/4, giá trị của đồng bitcoin đã giảm gần 10% trong 24 giờ xuống 49.281,40 USD. Trong khi đó, đồng ethereum giảm hơn 11% xuống 2.202,05 USD, còn đồng XRP, đồng tiền điện tử lớn thứ năm trên thị trường giảm hơn 22%. Diễn biến này đã làm "bốc hơi" khoảng 260 tỷ USD khỏi thị trường tiền điện tử.
Vijay Ayyar, người phụ trách bộ phận phát triển kinh doanh tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno, cho rằng giá trị của tiền điện tử đã tăng lên khá nhiều và hiện nay có thể là thời điểm thị trường hạ nhiệt trước diễn biến tiếp theo.
Đêm trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã sụt giảm sau báo cáo cho rằng Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc tăng thuế lãi về vốn (thuế đánh vào sự tăng giá tài sản). Theo chuyên gia Ayyar, thị trường chứng khoán đã có một đợt sụt giảm và điều này có thể ảnh hưởng đến tất cả các tài sản rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, bitcoin đã tăng 71% và ethereum tăng 200%, một phần do hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Các công ty như Tesla và Square cũng đã chi hàng tỷ USD để mua bitcoin.
Các ngân hàng cũng đang cố gắng cho phép khách hàng của họ tham gia thị trường bitcoin. Vào tháng Ba, Morgan Stanley cho biết họ đã đưa ra quyền truy cập vào ba quỹ cho phép sở hữu bitcoin,.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về sự hạn chế đối với bitcoin. Jesse Powell, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử Kraken, cảnh báo các chính phủ có thể hạn chế việc sử dụng bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Ấn Độ đang có kế hoạch ban hành luật cấm giao dịch hoặc thậm chí sở hữu tiền điện tử. Trước đó, hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gọi bitcoin là “tài sản có tính đầu cơ cao” đồng thời bày tỏ lo lắng về các khoản lỗ tiềm ẩn cho các nhà đầu tư.