Đáng nói là, nhiều
mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ
Thái Lan như đồ điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản
phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng
nhà bếp, sản phẩm nội thất…
Theo ông Vũ Vinh
Phú, chuyên gia thương mại, nguyên chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng Thái
Lan đã vào thị trường Việt Nam từ 20 - 30 năm trước, ban đầu gây dấu ấn tại khu
vực phía Nam, sau đó lan ra thị trường phía Bắc. Thời bao cấp, những sản phẩm
như nồi cơm điện Thái Lan, xe máy Thái... đã "làm mưa, làm gió" tại
thị trường Việt Nam.
"Đó là thời
điểm hàng hóa Việt Nam còn ít ỏi, hình thức, mẫu mã kém, ít sự lựa chọn cho
người tiêu dùng nên hàng Thái đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt.
Còn hiện nay, hàng Việt đã vươn lên về chất lượng không thua kém nhưng để gây
được sức hút thì còn cần thêm thời gian", ông Phú cho hay.
Hàng Việt
cần cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã
Khác
với hàng Trung Quốc thường lấy yếu tố giá rẻ để thu hút khách hàng, hàng Thái
Lan lại chinh phục nhóm khách hàng có thu nhập khá và cao. Giá hàng Thái Lan
thường cao hơn hàng Trung Quốc và cao hơn đôi chút so với hàng Việt, song chất
lượng và mẫu mã lại tốt. Chẳng hạn đồ nhựa Thái Lan vẫn nổi tiếng là bền, đẹp,
được người tiêu dùng Việt Nam rất yêu thích.
Hàng
Thái Lan cũng thường đi trước vài năm so với các nước trong khu vực trên thị
trường hàng tiêu dùng. Họ thường nghiên cứu rất kĩ tâm lý khách hàng để đưa ra
các dòng sản phẩm mới, với tính năng mới, ưu việt hơn. Chẳng hạn trong nhóm
ngành hóa mỹ phẩm, khi các sản phẩm Việt Nam còn chú trọng đến công năng cơ bản
là rửa sạch thì người Thái đã định vị sản phẩm ở hai yếu tố: mùi hương và an
toàn cho em bé.
Thực
tế mấy năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng đầu tư cho sản phẩm
của mình. Hàng Việt ngày một tốt hơn về chất lượng, đủ sức cạnh tranh với hàng
hóa các nước. Tuy nhiên, cần quan tâm đến khâu thiết kế, cũng như quảng bá,
giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Đây
là khâu hàng Thái rất chú trọng. Các hoạt
động xúc tiến thương mại hàng Thái tại Việt Nam cũng được tổ chức bài bản. Hàng
năm, có hàng chục hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan đứng ra tổ chức
tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Một ưu thế không thể không
nhắc đến của hàng hóa Thái Lan, đó là mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và
phân phối. Thái Lan phát triển rất mạnh các chuỗi bán lẻ, hệ thống siêu thị cả
trong và ngoài nước. Các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái đã mua lại một số hệ thống
phân phối tại Việt Nam, do đó hàng hóa của họ có thêm cơ hội vào thị trường Việt
Nam.
Để cạnh tranh, Việt Nam cũng
cần phát triển các hệ thống siêu thị của mình, có sự ưu tiên đưa hàng Việt vào
siêu thị. Các chuỗi bán lẻ của Việt Nam như Vinmart là một mô hình thành công
trong phát triển hệ thống phân phối, giúp đưa nông sản sạch của Việt Nam vào phục
vụ người tiêu dùng.
Trong
bối cảnh mở cửa, hội nhập, hàng hóa Thái Lan càng dễ dàng vào thị trường Việt
Nam khi thuế suất nhập khẩu về 0%. Việc dùng các rào cản thương mại để chặn
hàng Thái là không thể, do vậy bản thân hàng Việt phải tăng sức cạnh tranh.
Theo
các chuyên gia, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và đưa yếu tố sáng tạo vào
sản phẩm trở thành những yêu cầu tiên quyết nếu hàng tiêu dùng Việt Nam muốn
cạnh tranh với hàng Thái Lan.
Trên phương diện cơ quan quản
lý, để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam sang Thái Lan thông qua các
Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, tích cực đàm phán để Thái Lan mở cửa nhập khẩu
thêm các loại rau, quả từ Việt Nam, vận động doanh nghiệp tự tổ chức các chương
trình xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa tại Thái Lan…