Hàng Thái đang 'giành' thị trường người tiêu dùng Việt

Giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng cao được xem là ưu thế cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt cùng chủng loại trên thị trường hiện nay.

Theo đó, hàng Thái Lan đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, siêu thị ở các thành phố lớn trên cả nước.


Theo Cục Thống kê của TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa từ Thái Lan nhập vào TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, năm 2016 tăng khoảng 20 - 30% so với 2015. Hàng hóa nhập về chủ yếu là thực phẩm, đồ uống đóng gói sẵn, thời trang, đồ gia dụng, phụ tùng ô tô xe máy, mỹ phẩm…

Túi xách, mỹ phẩm, quần áo... là những mặt hàng Thái được ưu chuộng tại thị trường Việt Nam.

Chị Ngô Thị Hà (ngụ ở quận 7) cho biết, hàng Thái Lan có chất lượng khá tốt so với hàng sản xuất trong nước, vì vậy nhiều mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn. Hiện gia đình chị Hà cũng đang sử dụng sản phẩm của Thái như: sữa tắm, xà bông, kem đánh răng...


Không chỉ chinh phục khách hàng Việt bằng chất lượng, hàng Thái Lan còn chinh phục người mua hàng bằng mẫu mã, màu sắc, bao bì có hình dáng độc đáo, lạ mắt.


Tại triển lãm những thương hiệu hàng đầu Thái Lan năm 2017 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, các gian hàng Thái Lan luôn tấp nập người mua, người bán. Theo đó, từ ngày 13 - 14/5, ban tổ chức đã đón khoảng 20.000 lượt khách tham quan, mua sắm.


Bà Pitinun Samanvorawong, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, cho biết hàng Thái Lan đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, siêu thị tại ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Sở dĩ hàng Thái được người tiêu dùng Việt ưu chuộng là do giá cả phải chăng, mẫu mã, chất lượng hàng hóa đảm bảo. Các nhà sản xuất Thái Lan luôn nỗ lực sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng để phục vụ tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng.

Chất lượng, mẫu mã đa dạng là ưu thế của hàng Thái khi so với hàng Việt.

“Những năm gần đây, các doanh nghiệp Thái Lan đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Chẳng hạn như các chương trình: Triển lãm hàng hóa, tuần lễ hàng Thái Lan và chương trình “Ngày hội mua sắm hàng Thái Lan” tại nhiều địa phương trên cả nước, thu hút hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan và hàng trăm người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm”, bà Pitinun Samanvorawong cho biết thêm.


Ông Lê Ngọc Trung, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương, cho biết quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược từ 2013. Tính đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Thái Lan đạt 3,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2016.


“Để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với hàng Thái Lan, trước tiên hàng Việt Nam cần nâng cao chất lượng và mẫu mã hàng hóa bởi hàng Thái Lan họ mạnh về chất lượng và đa dạng mẫu mã. Ngoài ra, hàng Thái nhập về Việt Nam nhiều là do có hệ thống phân phối mạnh mẽ từ Thái Lan, do đó doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối. 


Đối với các nhà quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa tại các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo… tăng cường chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, ông Trung cho biết thêm.


Theo các chuyên gia, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt hiện không thua kém doanh nghiệp nước ngoài, thế nhưng từ những gì mà hàng Thái đang làm ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước có thể học tập kinh nghiệm, cách thức, cải tiến chất lượng hàng hoá để có thể mở rộng thị trường, cạnh tranh với hàng nhập ngoại.


Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức
Hàng Thái Lan đội lốt hàng Việt để xuất khẩu
Hàng Thái Lan đội lốt hàng Việt để xuất khẩu

Nhiều sản phẩm của Thái Lan dưới nhãn mác nước mắm Phú Quốc, mì gói, phở khô, kẹo dừa Bến Tre đang được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN