Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) lý giải: Thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.
Các cảng phía Nam đang rơi vào tình trạng hàng phế liệu tồn kho, chiếm đầy các bãi chứa hàng. Ảnh minh họa: H.Quân/Báo Tin tức. |
“Nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu đã không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan. Hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam”, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng TCHQ nói.
Theo ông Thành, mặt hàng phế liệu là mặt hàng đặc thù, phải lấy mẫu và xem hàng hóa đó có thực sự đảm bảo yêu cầu hay không? Nếu muốn kiểm tra đầy đủ đúng quy trình thì phải rỡ bỏ hết hàng từ container xuống nhưng khó khăn là cảng không còn đủ chỗ lấy mẫu, nếu như mở tung hết các container ra sẽ không có chỗ để.
Không chỉ vậy, hải quan cũng gặp lúng túng vì khó phát hiện ngay được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) cấp giấy chứng nhận trong nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Cơ quan hải quan không đối chiếu được theo thông tư 41 do chỉ có giấy bản sao chứng thực và bản phô tô giấy mua bán lô hàng để kiểm tra thông quan.
“Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi có kiến nghị Bộ TNMT đưa danh sách các doanh nghiệp được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giấy thông báo lô hàng nhập khẩu lên cổng 1 cửa để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu”, ông Thành nói.
Số liệu của TCHQ cho thấy, tại cảng Cát Lái – TP. Hồ Chí Minh tính đến ngày 25.7 có 3.579 container, tại cảng Hải Phòng là 1.485 container.Tổng cục Hải quan cũng cho biết, năm 2016 ước nhập khẩu 4.600.000 tấn, 2017 là 6.500.000 và 6 tháng đầu năm 2018 là 4.500.000 tấn phế liệu.
Đề cập tới việc xử lý phế liệu tồn đọng ở cảng, tránh tình trạng biến Việt Nam trở thành bãi rác, ông Anh Tuấn cho biết: Đối với hàng hóa phế liệu đã tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 6 điều 58 của Luật Hải quan. Cụ thể, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Phía hải quan sẽ xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.
TCHQ đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu. Theo đó, có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến .
Phía hải quan sẽ thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa có thông tin trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là chất thải. Cũng với đó, yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý theo quy định.
Đối với hàng hóa là phế liệu nhưng người nhận hàng thể hiện trên bản lược khai hàng hóa (manifest) không có tên trong danh sách doanh nghiệp đã được Bộ TNMT, Sở TNMT cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thì thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng. Đồng thời, yêu cầu hãng tàu phải vận chuyển hàng hóa này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp hàng hóa trên tàu có thông tin khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) là hàng đã qua sử dụng, không khai báo là phế liệu nhưng có đặc trưng của phế liệu và người nhập khẩu không thuộc danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực thì đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát trọng điểm.
Sẽ xử lý hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu
Trước đó, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn cho hay: Tới đây, hải quan sẽ phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu. TCHQ đã có chỉ đạo trong toàn ngành hải quan đối với các khu vực cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn bằng cách đưa lực lượng thực hiện kiểm định trên cơ sở tiêu chuẩn của Bộ TNMT. Từ đó, phát hiện những sơ hở và khâu tiền kiểm, hậu kiểm của các cơ quan có chức năng quản lý còn hạn chế. Cơ quan hải quan đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khởi tố 3 vụ án về vận chuyển trái phép đối với hàng cấm. Hiện nay, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ và dự kiến trong tuần tới sẽ khởi tố 6 vụ việc. |