Giao dịch khối ngoại có còn gây áp lực lên chỉ số VN-Index?

Dưới tác động của dịch COVID-19, kể từ năm 2020 đến nay, giao dịch của khối ngoại luôn nằm trong xu hướng bán ròng. Tỷ lệ giao dịch của khối ngoại theo đó cũng ngày càng thấp đi, tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, điều này không còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý chung của thị trường hay áp lực đè lên chỉ số VN-Index như trước.

Chú thích ảnh
Giao dịch của khối ngoại vẫn rất ảm đạm. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/6, chỉ số VN-Index tăng 0,72% lên 1.374,05 điểm. Đây cũng là mức điểm đóng cửa cao nhất của VN-Index kể từ trước đến nay. Thế nhưng, giao dịch của khối ngoại vẫn rất ảm đạm.

Trong phiên, khối ngoại đã bán ròng khá mạnh với 22,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.488 tỷ đồng trên HOSE. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các cổ phiếu như MBB (-510 tỷ đồng), HPG (-428 tỷ đồng), VSC (-362 tỷ đồng), VIC (-218 tỷ đồng)…

Trước đó, ngày 3/6, khối ngoại đã bán ròng 15,35 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng trên 1.069 tỷ đồng; ngày 2/6, khối ngoại cũng bán ròng 18,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.210 tỷ đồng…

Việc khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh trong những phiên gần đây phần nào cho thấy sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư quốc tế trước diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam. Thực tế, đà bán ròng của khối ngoại đã diễn ra liên tục kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020.

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, trong tháng 5/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 11.461 tỷ đồng, tăng 3,92% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 30.858 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cả năm 2020 (15.741 tỷ đồng).

Nếu như ở thời điểm cuối năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, giao dịch khối ngoại trên sàn HOSE chiếm tới 16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, thì đến cuối tháng 5/2021, tỷ lệ này giảm mạnh chỉ còn hơn 7%.

Dù vẫn liên tục bán ròng và tỷ trọng giao dịch của khối ngoại so với tổng giá trị toàn thị trường ngày càng thu hẹp, song theo các chuyên gia, điều này không còn gây áp lực lên tâm lý thị trường hay đè nặng lên đà tăng của các chỉ số.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, câu chuyện bán ròng của khối ngoại hiện đã không còn áp lực nhiều lên tâm lý thị trường. Bởi lẽ, thị trường đang chịu chi phối bởi dòng tiền nội, với số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý, tỷ lệ tài khoản hoạt động thực tế (active) cũng liên tục tăng mạnh. “Nếu như trước đây, lượng tài khoản active chỉ chiếm từ 30 - 50% tùy từng thời điểm, thì đến nay tỷ lệ này đã lên tới từ 80 - 90%. Hầu hết các tài khoản mở mới trong thời gian gần đây đều được nhà đầu tư bỏ tiền vào để hoạt động. Điều này đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm nay, bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại”, ông Minh cho biết.

Thực tế, số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tiếp tục tăng thêm trong tháng 5, với 113.674 tài khoản mới. So với tháng trước đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng thêm hơn khoảng 3.000 tài khoản, cao nhất từ trước đến nay.

Tính chung 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của người dân đối với thị trường chứng khoán.

Cùng quan điểm trên, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, việc khối ngoại bán ròng đã không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ lực cân của các nhà đầu tư trong nước.

Theo ông Phương, trong thời gian qua, không chỉ các nhà đầu tư trong nước liên tục mua ròng, mà các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thành lập trong nước cũng mua ròng. Một số quỹ ETF ngoại có mua ròng nhưng ít hơn, nhưng các quỹ ETF mới như FUBON FTSE VIETNAM ETF, VFMVN DIAMOND ETF, SSIAM VNFIN LEAD ETF… đều mua ròng.

Mặt khác, tuy nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng ở Việt Nam, song nhiều dấu hiệu cho thấy dòng tiền lại dịch chuyển qua mua các chứng chỉ quỹ ETF Việt Nam, như một cách nhà đầu tư nước ngoài tái cấu trúc lại danh mục đầu tư. Do vậy, việc khối ngoại bán ròng suốt trong năm 2020 hay 5 tháng đầu năm nay không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam và được thể hiện rõ qua chỉ số VN-Index liên tục lập các mức đỉnh mới trong thời gian gần đây.

Trong một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, dòng vốn ngoại có thể bị rút ròng mạnh hơn kéo theo quy mô bán ròng lớn hơn ở thị trường cơ sở trong thời gian tới, khi dòng vốn của các ETF lớn đã chuyển sang trạng thái âm (rút ròng) trong 2 tuần đầu tháng 5.

Tuy vậy, PHS cũng cho rằng, quá trình rút ròng dự kiến sẽ không ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam như giai đoạn trước. Bởi, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn chiếm hơn 7% giá trị giao dịch trên HOSE so với mức 14% vào tháng 6/2020.

Bên cạnh đó, dòng vốn từ các ETF mới có thể sẽ tăng quy mô giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam về trung dài hạn bởi mức định giá hiện tại của Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ so với các thị trường khác. Ngày 17/5/2021, PE của VN-Index là 17,1 lần, thấp hơn 28% so với PE bình quân ở nhóm thị trường cận biên (23,8x) và thấp hơn 33% so với nhóm thị trường mới nổi (25,6x).

Các chuyên gia của PHS cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng hướng tới vùng 1.400 điểm, tương ứng với P/E mục tiêu 2021 là 20 lần trong kịch bản tích cực. Trong trường hợp có sự xuất hiện bất ngờ của nhân tố mới theo hướng xấu, PHS kỳ vọng thị trường có thể duy trì vùng cân bằng ở mức từ 1.200-1.250 điểm theo kịch bản cơ sở.

Mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng dự báo, VN-Index sẽ có thời điểm vượt 1.400 điểm trong năm 2021 và ước tính thận trọng VN-Index dao động xung quanh ngưỡng 1.400 điểm trong năm 2022. Yếu tố hỗ trợ chính là nhờ môi trường lãi suất thấp có thể tiếp tục kéo dài sang 2022 và tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Hứa Chung (TTXVN)
Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì sự tích cực trong năm 2021
Thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì sự tích cực trong năm 2021

Theo các chuyên gia, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực, tuy nhiên mức độ biến động có thể gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN