Ngày 27/3, Viện kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ các nhà kinh tế và Tập đoàn Green đã tổ chức hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021: Cơ hội và thách thức” nhằm tìm ra những giải pháp giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực, tuy nhiên mức độ biến động có thể gia tăng. Trong thời gian đầu, thị trường có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật để phản ánh những rủi ro hiện tại.
Theo đó, mức tăng trưởng GDP dự kiến năm 2021 của Việt Nam sẽ là 6,5% theo nghị quyết Chính phủ năm 2021; GDP bình quân đầu người 3.700 USD/năm và đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là động lực lớn cho đà hồi phục kinh tế. Ngoài ra, vaccine COVID-19 đang được tiêm và phân phối cũng sẽ giúp nền kinh tế lưu thông bình thường trở lại, từ đó giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định hơn.
Đặc biệt trong năm 2021, Luật Chứng khoán sẽ được sửa đổi cũng giúp thị trường chứng khoán có thể thực hiện được các nghiệp vụ mới như: bán khống, ký quỹ, nới lỏng room nhà đầu tư nước ngoài... Những điều này cũng giúp thị trường chứng khoán tăng kỳ vọng được thêm vào rổ FTSE (chỉ số chứng khoán) vào đầu năm 2022 và được xét nâng hạng của MSCI (các công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính) vào giữa năm 2022.
“Hiện nay, dòng tiền cá nhân F0 đang tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, trong năm 2020, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên, chiếm 78% giao dịch toàn thị trường, còn lại là các tổ chức trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ này là lớn so với các thị trường chứng khoán ở các quốc gia khác. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân thường tâm lý yếu và có thể sẽ gây biến động thị trường trong năm 2021 và tiềm ẩn những rủi ro cao”, ông Thắng cho biết thêm.
Tương tự, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Kinh tế cho biết, hiện nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng của khu vực châu Á nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung, với GDP tăng trưởng tốc độ trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm đạt gần 3%, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, ban hành chính sách thu hút làn sóng chuyển dịch FDI vào Việt Nam, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam khá tốt... là những tín hiệu tốt góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
“Mặc dù có nhiều cơ hội tốt, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 vẫn còn đối mặt với những khó khăn, rủi ro. Đáng chú ý là các khó khăn như: diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, xu hướng bảo mật ủng hộ thương mại tiếp tục tăng trưởng trên thế giới, nguy cơ từ rủi ro phát triển, tỷ giá, tổ hợp của đầu tư hướng sang các lĩnh vực khác… Do đó, thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững cần một sự điều chỉnh hợp lý từ các chính sách, nhà đầu tư, các dòng tiền trong và ngoài nước, tình hình kinh tế xã hội ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt…”, ông Đặng Đức Thành nói.