Cụ thể tại thời điểm 14 giờ 30 phút ngày 10/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79,5 - 82,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên đầu tuần.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tại Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 79,45 - 81,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên đầu tuần.
Trong phiên giao dịch hôm nay, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 69,82 - 71,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), so với ngày 4/3, Bảo Tín Minh Châu đã tăng giá vàng nhẫn thêm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 3,14 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đây hiện là vùng giá cao nhất mà vàng nhẫn có được từ trước đến nay. So với hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tại đây đã tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng 13%. Và hiện người mua vàng nhẫn từ đầu năm đang có khoản lãi hơn 6 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 69,8 - 71,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), so với thứ hai ngày 4/3, tăng 3,2 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và tăng 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Như vậy, chỉ tính riêng trong tuần này, vàng nhẫn trơn tại các doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/lượng. Còn trong vòng một năm qua, giá vàng nhẫn trơn hầu hết đã tăng gần 16 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng ròng gần 30%. Đây là mức sinh lời hiếm thấy của loại vàng này trong 5 năm qua.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tuần qua cũng liên tục xô đổ các mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ đồn đoán về khả năng Mỹ sắp cắt giảm lãi suất. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thị trường kim loại quý này tính trong cả tuần qua ghi nhận mức tăng theo điểm phần trăm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10/2023. Giá vàng liên tục đi lên và xác lập các mức “đỉnh” mới trong 4 trên 5 phiên giao dịch của tuần này.
Vàng bắt đầu chuỗi lập kỷ lục vào ngày 5/3, khi vượt qua mức đỉnh hồi tháng 12/2023. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và nhu cầu tài sản an toàn tăng do căng thẳng tại Trung Đông. Đây là những nhân tố đang hỗ trợ giá vàng.
Vàng tiếp tục duy trì xu hướng này trong các phiên giao dịch liền sau đó, hưởng lợi nhờ đà giảm của đồng USD sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đánh đi tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất. Môi trường lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời và gây áp lực lên đồng USD, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Chiến lược gia về thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới, ông Joseph Cavatoni cho biết, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng rất mạnh mẽ. Phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/3, giá vàng tiếp tục “chinh phục” mức cao kỷ lục mới, khi dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên, qua đó thúc đẩy kỳ vọng rằng Fed có thể sớm hạ lãi suất.
Cụ thể, chốt phiên này, tại Sàn Giao dịch vàng COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.170,55 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,9% lên 2.185,50 USD/ounce. Bộ Lao động Mỹ ngày 8/3 cho biết, trong tháng Hai vừa qua, nước này đã có thêm 275.000 vị trí việc làm trong khu vực phi nông nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 3,9%.