Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.907,90 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.909,50 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn đã tăng gần 7,9% trong tháng 5/2021.
Hầu hết các thị trường tại Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ ngày 31/5.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết đồng USD suy yếu đã “tiếp thêm sức” cho vàng. Hiện nhiều người dự kiến giá vàng có thể leo lên mốc 2.000 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã hướng đến tháng giảm thứ hai so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,593% trong phiên 28/5, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Số liệu công bố ngày 28/5 cho thấy giá tiêu dùng Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 4/2021, vói thước đo lạm phát cơ bản vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 1992.
Vàng thường được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát, mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần tuyên bố rằng lạm phát tăng cao sẽ chỉ là tạm thời.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết miễn là Fed từ chối thay đổi chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát gia tăng, lãi suất thực tế sẽ tiếp tục giảm sâu xuống vùng âm, và đó là thông tin tốt đối với vàng.
Sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần này đang tập trung vào số liệu việc làm của Mỹ, công bố ngày 4/6, trong đó nhiều người dự báo số việc làm mới sẽ tăng thêm 650.000 việc.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,2% lên 2.832,35 USD/ounce, nhưng dự kiến ghi nhận mức giảm đầu tiên trong bốn tháng. Giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.185,85 USD/ounce. Giá bạc tăng 0,6% lên 28,05 USD/ounce và hướng đến tháng tăng nhiều nhất kể từ tháng 12/2020.
Đầu giờ sáng ngày 1/6, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,60 - 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).