Khoảng 0 giờ 36 phút sáng 12/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.921,10 USD/ounce. Còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.947,20 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,5% giúp vàng bớt đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền tệ khác. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao đã làm hạn chế đà tăng của tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà giao dịch hầu hết đều đang chờ đợi số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, công bố ngày 13/9, bởi số liệu này có thể ảnh hưởng đến việc liệu Fed có giữ nguyên lãi suất hay không.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính OANDA, cho biết vàng đã bắt đầu tuần mới với tín hiệu tích cực do đồng USD yếu đi, nhưng kim loại quý này có thể sẽ phải đối mặt với một số sức ép trong thời gian tới khi thị trường kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch dự đoán 93% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 19-20/9. Nhưng tỷ lệ dự đoán cũng cho thấy khả năng tăng lãi suất là 41% vào tháng 11/2023.
Trước cuộc họp tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nói rõ rằng họ không muốn tăng lãi suất, nhưng rất ít trong số họ sẵn sàng tuyên bố "một sự chiến thắng đối với lạm phát".
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Blue Line Futures ở Chicago, cho biết để giá vàng kỳ hạn tăng lên trên 2.000 USD/ounce, Fed cần bớt “diều hâu” hơn và chỉ số đồng USD cũng như lãi suất trái phiếu kho bạc cần phải giảm xuống.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 23,07 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 897,79 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,3% lên 1.213,95 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 12/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,20 - 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).