Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.927,39 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.950,80 USD/ounce.
Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính City Index, cho biết giá vàng sẽ được hỗ trợ trên mức 1.900 USD/ounce nếu đồng USD tiếp tục giảm do những dự báo cho rằng Fed thực sự đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông Simpson nói, giá vàng đã tìm thấy mức hỗ trợ quanh mức dao động trung bình 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật quan trọng không dễ bị phá vỡ.
Dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8, dự kiến được công bố vào ngày 13/9, sẽ định hình các quyết định về lãi suất của Fed trong năm nay.
Nhà phân tích thị trường trưởng của công ty giao dịch tài chính KCM Trade, Tim Waterer, cho biết số liệu lạm phát có thể tăng lên nhờ giá năng lượng tăng cao, điều này sẽ duy trì khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 tới.
Trước cuộc họp chính sách trong tháng này, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã khá rõ ràng về hai điều: Họ không muốn tăng lãi suất, nhưng rất ít trong số họ sẵn sàng tuyên bố rằng Fed đã chiến thắng lạm phát.
Phiên 11/9, đồng USD giảm 0,5% và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm 0,3%, khiến vàng - vốn là tài sản không sinh lời - trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài. Ông Waterer cho biết: “Giá vàng có thể sẽ dựa vào sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu để một lần nữa thách thức mức giá 1.950 USD/ounce”.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, vàng giao ngay có thể dò lại ngưỡng kháng cự 1.930 USD/ounce.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 23,07 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,7% lên 898,55 USD/ounce, sau khi giảm 7% vào tuần trước và giá palladium tăng 0,7% lên 1.206,21 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 13 phút, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,20 - 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).