Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 2.614,49 USD/ounce, ghi dấu phiên giảm thứ năm liên tiếp, ngày một rời xa mức kỷ lục 2.685,42 USD/ounce hôm 26/9. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 1,1% xuống đóng cửa ở mức 2.635,40 USD/ounce.
Ông David Meger, Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại tại công ty môi giới High Ridge Futures, nhận định trong vài ngày qua, sự thay đổi triển vọng lãi suất đã tác động đến giá vàng. Ông Merger lưu ý lợi suất trái phiếu đang phục hồi và những đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm mạnh lãi suất đã lắng xuống.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự đoán có 87% khả năng Fed sẽ hạ suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 11/2024, sau khi báo cáo tuần trước cho thấy sự vững mạnh của thị trường lao động.
Hiện thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Chín vừa qua của Fed, dự kiến công bố ngày 9/10 (theo giờ Mỹ), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố ngày 10/10 và Chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố ngày 11/10.
Theo Commerzbank, số liệu CPI có thể cho thấy sức ép giá cả tiếp tục giảm, nhưng khó có thể làm gia tăng kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn. Do đó, việc giá vàng tăng cao hơn có thể chủ yếu do các rủi ro địa chính trị, khi vàng vẫn được coi là "nơi trú ẩn an toàn" trong giai đoạn xảy ra bất ổn địa chính trị và rủi ro kinh tế.
Số liệu chính thức cho thấy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), trong tháng 9/2024 đã ngừng mua vàng dự trữ tháng thứ năm liên tiếp, chủ yếu là do giá kim loại quý này tăng vọt.
Lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ đứng ở mức 72,8 triệu ounce vào cuối tháng 9/2024. Tuy nhiên, giá trị số vàng dự trữ của nước này tăng từ mức 182,98 tỷ USD vào cuối tháng 8/2024 lên 191,47 tỷ USD.
Phiên này, giá bạc giảm 4,3% xuống 30,36 USD/ounce, mức thấp nhất trong ba tuần. Tại Việt Nam, phiên chiều ngày 8/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 83,00 - 85,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).