Cụ thể vào 17 giờ 30 phút chiều 1/6, tại hệ thống Doji Hà Nội, SJC giao dịch 56,90 – 57,60 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với phiên trước; tại Doji TP Hồ Chí Minh, SJC giao dịch 56,80 – 57,60 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với phiên trước.
Ở cửa hàng Phú Quý, SJC mua vào – bán ra là 56,95 – 57,60 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng mua vào và 240.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Còn tại SJC Hà Nội và Đà Nẵng, SJC giao dịch 56,95 – 57,67 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng mua vào và 250.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước; ở TP Hồ Chí Minh, mức tăng như trên, giao dịch 56,95 – 57,65 triệu đồng/lượng.
Tại ngân hàng, SJC giao dịch ở Maritime Bank là 56,40 – 58,80 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Còn ở VietinBank Gold, SJC tăng 350.000 đồng/lượng mua vào và 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước, giao dịch 56,95 – 57,67 triệu đồng/lượng.
Trước đó ngày 31/5, giá vàng biến động mạnh khi tăng tới 530.000 - 650.000 đồng/lượng, lên 57,4-57,45 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong 8 tháng qua. Đến cuối ngày 31/5, giá vàng bán ra giao dịch phổ biến là 57,25 - 57,42 triệu đồng/lượng.
Trong phiên chiều 1/6, giá vàng châu Á đạt mức cao nhất gần 5 tháng, khi áp lực lạm phát ngày một tăng và giới đầu tư chờ đợi thêm số liệu của Mỹ để đánh giá mức độ phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Giới kinh doanh nhận định: Do giá vàng thế giới đang trên đà khởi sắc và sức mua trong mấy ngày qua tăng mạnh nên giá vàng SJC cuối giờ ngày 1/6 biến động. Trong nhiều ngày qua, giá vàng thế giới giữ vững trên ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến, lạm phát tại quốc gia này vượt mục tiêu 2%. Đồng USD suy yếu, lạm phát gia tăng, biến động của thị trường tiền điện tử nhất là giá tiền ảo Bitcoin xuống còn 36.000 USD/Bitcoin đã thúc đẩy giới đầu tư quan tâm đến giá vàng. Từ đó, thị trường kỳ vọng giá vàng thế giới có thể lên ngưỡng 1.950 USD/ounce.