Trong chiều 31/5, giá vàng giao ngay nhích nhẹ lên mức 2.343,63 USD/ounce. Giá vàng đã tăng 0,4% từ đầu tuần đến nay và 2,5% từ đầu tháng đến nay. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.341,80 USD/ounce.
Thị trường đang chờ Mỹ công bố Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vào lúc 12 giờ 30 phút theo giờ GMT. Chuyên gia Yeap Jun Rong của ngân hàng IG, cho biết, chỉ số PCE tăng có thể khiến giá vàng khó đi lên, nhưng có thể ở mức 2.300 USD/ounce. Dữ liệu hôm thứ Năm (30/5) cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý I/2024 so với ước tính trước đó.
Trong khi đó, các nhà giao dịch đã hạ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sau khi các quan chức Fed gần đây đưa ra quan điểm "cứng rắn" cho thấy lộ trình lâu dài hơn để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Trong khi vàng được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không có lãi suất.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 37 phút ngày 31/5, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83,00 - 87,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á giảm
Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 31/5 do bình luận từ một quan chức Fed củng cố kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong thời gian dài.
Chiều 31/5, giá dầu Brent giao kỳ hạn có lúc giảm 3 xu Mỹ (0,04%) xuống 81,83 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 10 xu Mỹ (0,13%) xuống 77,81 USD/thùng.
Thị trường đang chờ đợi quyết định về sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+ vào cuối tuần này. Chuyên gia thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết, thị trường đang thận trọng trước khi Mỹ công bố chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ công bố vào cuối ngày hôm nay.
Bà Lorie Logan, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Dallas, cho biết, bà vẫn lo lắng về rủi ro lạm phát tăng bất chấp việc nới lỏng gần đây, đồng thời đưa ra quan điểm rằng còn quá sớm để đề cập đến việc cắt giảm lãi suất. Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực trong những tuần gần đây do khả năng chi phí đi vay của Mỹ tăng trong thời gian dài, điều này có khả năng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ dầu thô.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,2 triệu thùng xuống 454,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/5, so với kỳ vọng giảm 1,9 triệu thùng trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Chuyên gia Yeap cho biết, động lực quan trọng cho giá dầu sắp tới sẽ xoay quanh cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này và khả năng cắt giảm thêm sản lượng khó có thể xảy ra. OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trong phiên giao dịch chiều 31/5 với số liệu kinh tế Mỹ thấp hơn dự báo đã tạo thêm hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,2% lên 38.119,96 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,8% xuống 18.079,61 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống 3.086,81 điểm.
Nhưng thị trường hiện đang tập trung chờ đợi Mỹ công bố chỉ số PCE và chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của khu vực đồng euro, một dữ liệu quan trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 6/6, khi ngân hàng này được cho là sẽ giảm lãi suất.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 31/5, chỉ số VN-Index giảm 4,6 điểm (0,36%) xuống 1.261,72 điểm; HNX-Index giảm 0,92 điểm (0,38%) xuống 243,09 điểm.