Giá vàng châu Á ít biến động chiều 23/3

Trong phiên giao dịch chiều 23/3, giá vàng châu Á ổn định do các nhà đầu tư chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính nước này nhận định về sức khỏe nền kinh tế trong buổi điều trần trước Quốc hội vào cuối ngày.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 36 phút chiều (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Bengaluru gần như không đổi ở mức 1.738,50 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.738,90 USD/ounce.

Chuyên gia kinh tế Howie Lee thuộc ngân hàng OCBC Bank cho biết, nhận định của Fed sẽ mở đường cho hướng đi của giá vàng trong thời gian tới.

Ngày 22/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định nền kinh tế Mỹ được cải thiện nhiều nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng sự phục hồi vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại thị trường trong nước vào lúc 4 giờ 48 phút chiều 23/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,20 - 55,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu châu Á phiên 23/3 giảm 1% do triển vọng phục hồi không mấy lạc quan

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu châu Á giảm 1% trong chiều 23/3, khi thị trường lo ngại rằng các lệnh hạn chế đi lại và chậm triển khai vaccine ngừa COVID-19 ở châu Âu sẽ làm giảm đà phục hồi của nhu cầu năng lượng.

Phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2021 giảm 80 xu Mỹ (tương đương 1,3%) xuống 60,76 USD/thùng vào lúc 14 giờ 25 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng để mất 93 xu Mỹ (1,4%) xuống 63,69 USD/thùng.

Ông Matt Stanley, chuyên gia tại công ty môi giới đầu tư Star Fuels, cho biết hoạt động du lịch toàn cầu sẽ còn mất một thời nữa để phục hồi. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu dầu phục hồi trong nửa cuối năm 2021 là khá bất ổn vì nhiều nơi vẫn phải áp đặt các lệnh phong tỏa để chống dịch.

Các quốc gia châu Âu đang mở rộng lệnh phong tỏa trước mối đe dọa về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba. Trong đó, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất lục địa này là Đức sẽ kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 18/4.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô năm 2021 xuống 2,5 triệu thùng/ngày, trong khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nguồn cung dầu sẽ vượt nhu cầu năng lượng của thế giới vào nửa cuối năm nay.

Giới quan sát cũng chỉ ra rằng thị trường dầu thô vật chất cho thấy nhu cầu thực tế đang thấp hơn nhiều so với thị trường kỳ hạn. Theo ông Lachlan Shaw, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của ngân hàng National Australia Bank, giá dầu giao ngay đã yếu hơn so với giá kỳ hạn trong vài tuần qua.

Điều này được phản ánh thông qua việc Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, ngày 22/3 đã giảm giá bán chính thức đối với dầu giao tháng Tư – một nỗ lực thúc đẩy doanh số bán của nước này.

Ngoài ra, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của châu Phi cũng là nhà cung cấp chính cho Trung Quốc là Angola vẫn còn một số lô hàng kỳ hạn giao tháng 4/2021 chưa bán được. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang không mấy mặn mà với việc mua thêm dầu.

Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 23/3

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch Chứng khoán Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 23/3 trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu gần đây do lo ngại kinh tế phục hồi sẽ buộc các ngân hàng trung ương thu hồi các chương trình nới lỏng tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 28.995,92 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,3% xuống 28.497,38 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,9% xuống 3.411,51 điểm.

Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng đến phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, trong đó sẽ trả lời những câu hỏi về chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19.

Mức tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong những tuần gần đây đã gây lo lắng cho các thị trường, đồng thời làm dấy lên những đồn đoán về việc hoạt động kinh tế phục hồi mạnh trong năm nay sẽ thúc đẩy lạm phát và buộc ngân hàng trung ương nâng lãi suất trước năm 2024.

Ông Powell và bà Yellen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đà tăng của lạm phát không kéo dài và sẽ duy trì các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, trong đó có lãi suất ở mức thấp kỷ lục, cho đến khi nắm rõ tình hình thất nghiệp, và lạm phát trên 2% trong giai đoạn dài.

Chứng khoán Seoul giảm 1%, còn chứng khoán Sydney, Đài Bắc và Bangkok cũng trong vùng đỏ. Trong khi đó chứng khoán Mumbai, Singapore, Manila và Wellington tăng.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 0,92% xuống 1.183,45 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,91% xuống 272,34 điểm.

Vân Anh- H.Thủy- Minh Hằng (TTXVN)
Giá vàng sáng 23/3 ổn định trên mốc 55 triệu đồng/lượng
Giá vàng sáng 23/3 ổn định trên mốc 55 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 23/3 hầu như không đổi so với cuối ngày hôm qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN