Giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm qua

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. Nếu tính bình quân quý I/2021, CPI tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua.

Chú thích ảnh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương tại buổi họp báo sáng 29/3.

Tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021 diễn ra sáng 29/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương cho biết: Theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết Nguyên đán giảm; nguồn cung hàng dồi dào cũng khiến giá các loại thực phẩm giảm là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. 

Theo bà Nguyễn Thị Hương, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý I/2021 là: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ trong dịp Tết tăng khiến giá gạo quý I/2021 tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm %.

Giá các mặt hàng thực phẩm quý I/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm. Trong đó: Giá thịt lợn tăng 0,46%, giá thịt bò tăng 2,89%, giá thịt chế biến tăng 3,73%. Giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm, bình quân quý I/2021 tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước như: Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV/2020. Theo đó, giá điện tháng 1/2021 giảm 16,88% so với tháng trước làm cho giá điện sinh hoạt bình quân quý I/2021 giảm 7,18% so với cùng kỳ năm 2020, tác động giảm CPI chung 0,24 điểm %. 

Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%...

Giá vàng trong nước biến động theo với giá vàng thế giới

Theo Tổng cục Thống kê sáng 29/3, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 27/3 giảm 4,77% so với tháng 2/2021 do sự hỗ trợ của các gói kích thích tài khóa, cùng với việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2021 giảm 2,97% so với tháng trước; tăng 16,84% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý I/2021 tăng 23,27%.

 

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn bảo đảm

"Lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong 3 tháng đầu năm vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.140 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 3/2021 tăng 0,23% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý I/2021 giảm 0,58%", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.
CPI tháng 2/2021 tăng 1,52%
CPI tháng 2/2021 tăng 1,52%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước. Có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN