Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, thị trường hàng hoá có xu hướng tăng giá vào năm 2021, dựa trên triển vọng đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi mà các biện pháp kích thích kinh tế và tài khoá được kỳ vọng sẽ mạnh hơn. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng chỉ số CPI bình quân khoảng 4%.
“Năm 2021, kinh tế vẫn rất khó đoán. Vì vậy, công tác điều hành giá cần điều hành thận trọng, linh hoạt và chủ động. Chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.
Đề cập về diễn biến giá cả năm 2021, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nêu hai kịch bản có thể xảy ra ảnh hưởng đến CPI của năm 2021.
Kịch bản thứ nhất, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới dần phục hồi, giá thế giới sẽ tăng mạnh do tác động kép từ việc kinh tế phục hồi và do tác động của các gói kích cầu khổng lồ được các nước tung ra. Theo đó, mặt bằng giá hàng hóa Việt Nam sẽ chịu sức ép tăng, nếu không có các biện pháp quyết liệt, CPI bình quân có thể tăng từ 4 - 4,5%.
Theo TS Lê Quốc Phương, kịch bản thứ hai được mô phỏng nếu COVID-19 chưa được kiểm soát, kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá hàng hóa thế giới không tăng mạnh dẫn đến mặt bằng giá tại Việt Nam khó tăng cao, dự báo CPI bình quân cả năm khoảng 3,8 - 4%.
Để kiềm chế lạm phát năm 2021, TS Lê Quốc Phương cho rằng: Cơ quan quản lý cần đảm bảo cung cầu hàng hóa, kể cả nhập khẩu nếu cần thiết, công khai, minh bạch thông tin để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế thông tin thất thiệt gây hoang hoang bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, phải chuyển mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên vốn, lao động, tài nguyên sang chiều sâu dựa trên đổi mới sáng tạo, trình độ khoa học công nghệ cao.
Còn Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, ông Nguyễn Đức Độ bày tỏ, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt nhờ có vaccine; đồng thời kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước đang ở mức rất thấp là 0,19%, lạm phát trung bình năm 2021 sẽ không thể cao bởi kinh tế năm 2021 sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn.
“Với giả định lạm phát cơ bản tăng trung bình 0,23%/tháng, tương đương với mức tăng năm 2019 - năm trước khi xảy ra bệnh dịch; đồng thời giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng nhẹ, CPI so với cùng kỳ năm trước của tháng 12/2021 sẽ tăng khoảng hơn 3%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng hơn 2%. Trường hợp có biển động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%”, ông Nguyễn Đức Độ dự báo.
Năm 2021, để thực hiện kiểm soát lạm pháp theo chỉ tiêu Quốc hội giao, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm hạn chế tăng giá.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.