Theo Công ty cổ phần Anova Feed, ngày 24/5, tại miền Bắc, giá lợn hơi toàn miền từ 64.000 - 71.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung, cũng ghi nhận từ 67.000 - 72.000 đồng/kg. Tại miền Nam duy trì giao dịch trong từ 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Ông Lê Tiến Dũng, chủ trang trại lợn ở Thanh Ba – Phú Thọ cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn có xu hướng giảm, hiện ở mức khoảng 69.000 đồng/kg với lợn loại 1. Nếu lợn trong dân tự nuôi thì giá chỉ từ 64.000 – 66.000 đồng/kg. Ông Lê Tiến Dũng nhận định có thể giá lợn hơi tiếp tục đi xuống do tình hình tiêu thụ chậm bởi dịch COVID-19.
Trong khi giá lợn hơi có xu hướng giảm mạnh thì giá các loại thịt trên thị trường ở Hà Nội vẫn ở mức khá cao. Theo chủ cửa hàng thịt lợn ở chợ phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, giá thịt lợn loại ngon hiện dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg. Cụ thể, giá sườn ngon 150.000 đồng/kg, thịt nạc vai từ 140.000 -150.000 đồng/kg, thịt lợn mông còn 130.000 đồng/kg, thịt chân giò 140.000 đồng/kg… Đây là mức giá đã giảm vài nghìn đồng so với tháng trước.
Tại siêu thị giá các loại thịt lợn có giảm nhưng vẫn ở mức cao từ 116.000 – 155.000 đồng/kg, thậm chí sườn non vẫn ở mức 200.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt mông sấn 120.000 đồng/kg, nạc đùi 142.000 đồng/kg, nạc vai 155.000 đồng/kg, nạc xay 149.000 đồng/kg, vai sấn 116.000 đồng/kg…
Trước tình hình giá lợn hơi có xu hướng giảm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nhờ việc phòng chống dịch bệnh tốt, tốc độ tăng đàn tăng nhanh, đàn lợn đạt khoảng 90% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu khẩu lợn, thịt lợn từ một số quốc gia. Tuy nhiên, giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng các địa phương đang bàn giải quyết vấn đề này. “Chắc chắn không thể duy trì mãi giá thịt lợn ở mức cao khi nguồn cung đã dồi dào, giá lợn hơi đã xuống và sẽ có thời gian chuyển đổi.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khó khăn là các doanh nghiệp, tư nhân, thương lái, không còn hệ thống phân phối xã hội chủ nghĩa như ngày xưa để có thể chỉ đạo một cách xuyên suốt. Bộ sẽ cùng Bộ Công Thương tổ chức để người chăn nuôi, nhà phân phối và người tiêu dùng trong chuỗi cùng chia sẻ lợi ích.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi thực phẩm lớn như: Masan với hai nhà máy ở Hà Nam và Long An, Ba Huân, Dabaco, Greenfeed, Rapfa, Xuân Trường… Khi các chuỗi này phát huy đúng theo chiến lược của doanh nghiệp thì việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của họ và người tiêu dùng.
“Đây là mục tiêu quan trọng mà thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều, công nghệ càng cao, chế biến sâu cho thực phẩm trong nước và xuất khẩu.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.