Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng lên 162,12 euro (hơn 187 USD)/MWh và giá khí đốt tại Anh tăng lên 407,82 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt để đo lượng khí đốt cung cấp). Song, sau đó giá mặt hàng này đã đảo chiều khi mối lo ngại về nguồn cung dịu bớt.
Nhà phân tích tài chính Danni Hewson của công ty dịch vụ tài chính AJ Bell (Anh) nhận định thông tin Nga sẽ thúc đẩy nguồn cung khí đốt đã giúp ổn định tâm lý của thị trường và kiềm chế đà tăng kỷ lục của giá mặt hàng này. Song, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng về nguồn cung ứng.
Giá khí đốt tăng mạnh cùng với việc giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm đã làm dấy lên lo ngại lạm phát và các hóa đơn năng lượng tăng cao. Nhu cầu khí đốt cũng tăng cao tại châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga lại giảm.
Nhà phân tích Walid Koudmani của công ty môi giới XTB có trụ sở tại London nhận định giá khí đốt tự nhiên đã leo lên mức đỉnh mới khi lượng tồn kho thiếu hụt trước mùa Đông khiến người tiêu dùng lo ngại về lạm phát và giá năng lượng tăng đột biến.
Những hạn chế về nguồn cung có thể dẫn đến chi phí nhiên liệu cao hơn khi chuyển sang những tháng mùa Đông, một viễn cảnh có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế và “phủ mây đen” lên các thị trường.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cũng trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu gió cho các trang trại gió, việc ngừng sản xuất điện hạt nhân và quyết tâm đóng cửa các mỏ than để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu của các chính phủ.
Nhu cầu khí đốt cũng tăng cao hơn trong những tháng gần đây khi các nền kinh tế mở cửa trở lại trên toàn thế giới sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.