Gia hạn thuế, giảm phí để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi năm 2021 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Các chính sách tháo gỡ khó khăn như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm các loại thuế, phí đã góp phần giảm  chi phí đầu vào của doanh nghiệp... sẽ giúp nguồn thu thuế từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi năm 2021.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Giảm đáng kể tình trạng hụt thu ngân sách

Theo ông Đặng Ngọc Minh, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được áp dụng các chính sách trên như: Lĩnh vực sản xuất; hoạt động kinh doanh, dịch vụ; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Để bảo đảm chính sách hỗ trợ của Chính phủ được áp dụng rộng rãi đến doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, việc gia hạn nộp thuế được áp dụng đối với những loại thuế liên quan trực tiếp đến các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm: Thuế giá trị gia tăng – GTGT phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6 (đối với trường hợp khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2020 (đối với kê khai theo quý). Đối với gia hạn nộp tiền thuê đất, Nghị định 41 cũng gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của kỳ đầu năm, kể từ ngày 31/5/2020”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã giảm 50% lệ phí trước bạ và gia hạn tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 15% tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, đã có khoảng 145.308 lượt xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước khi đăng ký sở hữu đã được giảm 50% lệ phí trước bạ với tổng số tiền đã được giảm là 4.916 tỷ đồng; số giảm cho cả năm 2020 vào khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 18/11/2020, cơ quan thuế các cấp đã gia hạn cho 14 doanh nghiệp, với tổng số thuế TTĐB được gia hạn là 16.552 tỷ đồng; số đã nộp vào ngân sách Nhà nước đến nay là 6.907 tỷ đồng; số đang còn được gia hạn là 9.646 tỷ đồng…

Nhờ những chính sách hiệu quả trên nên số hụt thu ngân sách so với báo cáo trước đó của Bộ Tài chính đã giảm sâu. Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), dự toán thu NSNN năm 2020 Quốc hội quyết định là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, chỉ số lạm phát không quá 4%, giá dầu thô 60 USD/thùng.

Trên cơ sở kết quả thu ngân sách thực tế 9 tháng năm 2020 (đạt 64,5% dự toán) và qua thảo luận với các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ước thu NSNN năm 2020 chỉ đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng ( giảm 12,5%) so dự toán. Tuy nhiên, năm 2020, thu NSNN là 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% (chỉ hụt thu 30,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu

Theo ông Đặng Ngọc Minh, dự kiến năm 2021, nguồn thu sẽ khởi sắc hơn nhờ “sức khỏe” của doanh nghiệp đang dần phục hồi. Những giải pháp tháo gỡ khó khăn như năm 2020, điển hình là Nghị định 41; các giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kinh tế số phát triển đang tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. 

“Năm 2021, nguồn thu thuế từ đất đai; lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp đầu tư vào đất đai sẽ đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Những điểm phát triển du lịch tại miền Trung; các khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương đang đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc cho nguồn thu thuế trong thời gian tới”, ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Để nuôi dưỡng nguồn thu, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính vừa gia hạn 29 khoản phí, lệ phí. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021, 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm với mức giảm từ 50 - 100%. Đó là: Phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt  động của ngân hàng, lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng... 

Đề cập về vấn đề này, PGS TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho hay: Việc kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí ban hành năm 2020 sang năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do COVID-19 là cần thiết, nhưng không nên miễn, giảm các loại thuế.

“Năm 2020, Bộ Tài chính đã đề xuất, ban hành hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng số tiền ước vào khoảng 110.000 tỷ đồng, trong đó, số tiền gia hạn khoảng 80.000 tỷ đồng và số miễn, giảm 30.000 tỷ đồng. Trong số tiền giảm phí, lệ phí, thì nhiều nhất là giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, ước tính vào khoảng 3.700 tỷ đồng. Chính sách này không được Bộ Tài chính đề nghị kéo dài sang năm 2021, còn các khoản phí, lệ phí thực hiện giảm đến hết năm 2020 được ban hành tại 21 thông tư khác nhau với số giảm không nhiều, ước cỡ 1.000 tỷ đồng”, PGS TS Phạm Thế Anh cho hay. 

Theo ông Phạm Thế Anh, nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí thêm 6 tháng hoặc 12 tháng sẽ tác động không nhiều tới số thu từ phí, lệ phí đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt là tới tổng số thu NSNN. Hơn nữa, nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí sẽ có hiệu ứng tốt lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, qua đó, ngân sách cũng thu được trở lại phần nào. 

Tuy nhiên, theo đại diện VESS, Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân nhắc kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân (TNCN), GTGT và tiền thuê đất đến hết 30/6/2021, thậm chí đến hết 31/12/2021.“Việc gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN - không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách là quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, có nên gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế TNCN và tiền thuê đất như năm 2020, cần phải xem lại tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong quý IV/2020 và quý I/2021. Nếu doanh nghiệp còn khó khăn thì tiếp tục gia hạn, mức độ gia hạn cũng phải xem từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và có thể ban hành chính sách mới, chứ không kéo dài chính sách cũ được thực hiện năm 2020”,  ông Phạm Thế Anh đề xuất.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Rà soát các nguồn thu còn dư địa để bù hụt thu ngân sách
Rà soát các nguồn thu còn dư địa để bù hụt thu ngân sách

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Tổng cục Thuế đang đưa ra các giải pháp gấp rút, đặc biệt rà soát lại các nguồn thu còn dư địa như: Thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet… để bù đắp khoản hụt thu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN