Giá đồng giảm mạnh – Tín hiệu đáng lo ngại cho kinh tế toàn cầu 

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm vừa qua đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một số ngân hàng trung ương bất ngờ.

Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Anh lưu ý rằng giá kim loại đã tăng 30% trong cả năm 2017, phản ánh sức mạnh và đà tăng đáng ngạc nhiên của nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên với việc giá đồng tuột dốc trong thời gian gần đây giữa bối cảnh các căng thẳng thương mại và địa chính trị ngày càng gia tăng, giới quan sát đang ngày càng lo ngại sự suy giảm này là “hồi chuông” báo cho một đợt suy thoái kinh tế mới sắp cận kề. 

Kim loại này đã được đặt biệt hiệu “Doctor Copper” (Bác sĩ Đồng) do khả năng “đo” được "thể trạng" của nền kinh tế thế giới dựa vào sự phổ biến của đồng trong thế giới hiện đại. 

Ông Rusel Mould, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư AJ Bell, cho biết đồng được sử dụng ở hầu hết sản phẩm và thiết bị gia dụng, từ hệ thống ống nước, máy sưởi, dây điện và cáp viễn thông. Ngoài ra, kim loại này cũng được sử dụng rất nhiều trong xe lửa, máy bay và ô tô. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng mà không có đồng. 

Hồi tuần trước, giá đồng giao kỳ hạn đã giảm mạnh từ 7.200 USD/tấn hồi đầu tháng Sáu xuống còn 5.773 USD/tấn và hiện vẫn ở quanh mức này do những căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế ngày càng leo thang, cũng như việc đồng tiền tại các nền kinh tế mới nổi lao dốc. 

Kể từ đầu tháng Sáu tới nay, giá kim loại này đã giảm hơn 20%, qua đó khiến các nhà phân tích lo ngại khi cho rằng đây là tín hiệu xấu cho nền kinh tế toàn cầu. Một số nhà phân tích tin rằng thái độ “hờ hững” của giới đầu tư với các tài sản có tính rủi ro cao là do giá đồng giảm. 

Song một số chuyên gia cho rằng, giá đồng không phải là một tín hiệu luôn luôn đúng về tình hình sức khỏe của kinh tế toàn cầu vì chúng cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguồn cung. Chuyên gia Andrew Kenningham tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics cho biết, giá đồng có thể chịu tác động không chỉ từ nhu cầu cho sản xuất mà còn "cú sốc" nguồn cung, hoạt động đầu cơ và những biến động tỷ giá. 

Do đồng được giao dịch chủ yếu bằng đồng USD, khi giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc hoặc các đồng tiền thị trường mới nổi khác suy giảm, kim loại này sẽ trở nên đắt đỏ hơn, qua đó làm giảm nhu cầu và sẽ kéo giá đồng xuống thấp hơn nữa. 

H.Thủy (TTXVN )
IMF: Không có bằng chứng Trung Quốc thao túng tiền tệ
IMF: Không có bằng chứng Trung Quốc thao túng tiền tệ

Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Maury Obstfeld khẳng định "không có bằng chứng nào" cho thấy chính quyền Trung Quốc đang can thiệp để thay đổi tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (NDT).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN