Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 3,13 USD (4,2%) lên 78,12 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,55 USD (5,1%) lên 72,81 USD/thùng.
Trong tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 2,8% trong khi giá dầu WTI tăng 3,8% khi những lo lắng về lĩnh vực ngân hàng dịu bớt.
Giá dầu đã tăng sau khi Iraq quyết định ngừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Khu vực bán tự trị người Kurd và các mỏ ở Bắc Kirkuk, liên quan đến vụ kiện từ năm 2014, với việc Baghdad cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm thỏa thuận chung khi cho phép Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) xuất khẩu dầu thô thông qua một đường ống dẫn đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York, cho rằng sự sụt giảm nguồn cung sẽ làm trầm trọng thêm bất kỳ tình huống xấu nào đối với nguồn cung trong tương lai.
Bên cạnh đó, thương vụ First Citizens mua lại các khoản tiền gửi và khoản vay của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã giúp giảm bớt mối lo ngại bất ổn tài chính có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và suy yếu nhu cầu nhiên liệu.
Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính City Index (Vương quốc Anh) cho biết giá dầu đang kéo dài đà tăng từ tuần trước khi các nhà đầu tư cân nhắc những nỗ lực của chính phủ nhằm xoa dịu mối lo ngại về hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Bên cạnh đó, cũng có những hy vọng về việc hỗ trợ thêm cho hoạt động cấp vốn ngân hàng sau khi có báo cáo cho rằng Chính phủ Mỹ đang cân nhắc về việc mở rộng các cơ sở cho vay khẩn cấp.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ từ những lo ngại về bất ổn địa chính trị trước những diễn biến mới liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.