Mở đầu tuần qua, giá dầu thế giới đã giảm hơn 3% trong phiên 8/6, sau khi Saudi Arabia và hai nhà sản xuất vùng Vịnh khác cho biết họ sẽ không duy trì mức cắt giảm bổ sung tự nguyện trước đó.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất khác (còn gọi là Nhóm OPEC+) ngày 6/6 đã chấp nhận duy trì mức cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, cho đến tháng Bảy tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman, cho biết vương quốc dầu mỏ này cùng các đồng minh Vùng Vịnh là Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) sẽ không tiếp tục mức cắt giảm bổ sung 1,18 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, với việc giá dầu đã tăng trở lại, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã bắt đầu mở lại các giếng khoan bị đóng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19. Giới phân tích cho rằng điều này có thể làm suy yếu sự phục hồi nhu cầu mong manh cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực thúc đẩy giá dầu tăng của OPEC+. Bên cạnh đó, Saudi Arabia đã tăng giá cho dầu thô của nước này với dự đoán rằng nhu cầu năng lượng sẽ mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong hai phiên tiếp theo, giá dầu thế giới liên tục tăng lên, giữa lúc giới giao dịch lạc quan hơn về triển vọng thị trường sau động thái gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên của OPEC+, ngay cả khi dự trữ dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục làm thị trường lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài do nhu cầu yếu.
Tuy nhiên, bước sang phiên 11/6, giá “vàng đen” lại quay đầu giảm khoảng 8%, giữa bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại về sự sụp đổ của nhu cầu "vàng đen" khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng trên toàn cầu, trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên mức kỷ lục.
Theo số liệu từ hãng tin Reuters, số ca nhiễm mới tại Mỹ đang tăng nhẹ sau 5 tuần sụt giảm. Giữa bối cảnh hầu hết các bang tại Mỹ đã nới lỏng hạn chế đi lại - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu đối với dầu mỏ, tiêu thụ nhiên liệu tại nước này vẫn thấp hơn các mức thông thường 20%, khi người tiêu dùng vẫn mang tâm lý cẩn trọng. Theo dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), triển vọng kinh tế Mỹ sẽ vẫn ảm đạm, khiến nhu cầu đối với "vàng đen" suy yếu.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ công bố ngày 10/6 cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng 5,7 triệu thùng lên mức cao kỷ lục 538,1 triệu thùng, chủ yếu do lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia. Dự trữ xăng tại nước này cũng tăng cao hơn dự kiến lên mức 258,7 triệu thùng.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu Mỹ tiếp tục giảm nhẹ trước những lo ngại về khả năng các biện pháp phong tỏa được áp đặt trở lại trước sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu còn xa vời.
Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Bảy giảm 8 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 36,26 USD/thùng, mức khép phiên thất nhất kể từ ngày 1/6 đối với một hợp đồng dầu có kỳ hạn giao gần nhất, theo số liệu của Dow Jones Market Data. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám lại tăng 18 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 38,73 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 8,3%, trong khi giá dầu Brent giảm 8,4%, đánh dấu tuần giảm giá đầu tiên đối với cả hai loại dầu này kể từ tuần kết thúc vào ngày 24/4.
Lukman Otunuga, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của công ty FXTM, nhận định dù OPEC+ đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm một tháng nữa, nhưng nhìn chung điều này có thể sẽ không hỗ trợ được nhiều cho giá dầu, vốn đang thất thế trước dịc COVID-19 và những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Những lo ngại về sự suy yếu hơn nữa của nền kinh tế thế giới đã làm gia tăng những đồn đoán tăng nhu cầu năng lượng sẽ giảm xuống, từ đó gây áp lực lên giá "vàng đen".