Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,76 USD, hay 2%, lên 89,96 USD/thùng, sau khi có thời điểm vượt ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2014. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD, hay 2%, và đóng phiên ở mức 87,35 USD/thùng.
Giá dầu thu hẹp đà giảm vào cuối phiên sau khi giới đầu tư cho rằng các bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong cuộc họp báo mới đây về việc nâng lãi suất phần nào ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trước đó, giá dầu tăng mạnh do những lo ngại rằng nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn, trước những diễn biến cho thấy căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang gia tăng. Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken cho biết Mỹ sẽ đảm bảo nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ không bị gián đoạn diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine xấu đi.
Cùng lúc đó, căng thẳng tại Trung Đông cũng gia tăng, khi lực lượng Houthi mới đây đã tiến hành hành động quân sự thứ hai nhằm vào thủ đô của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Căng thẳng chính trị trên toàn cầu đã làm gia tăng những lo ngại về một thị trường năng lượng vốn đã thắt chặt. Cùng lúc đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu sản lượng hàng tháng sau các đợt cắt giảm mạnh vào năm 2020, còn sản lượng của Mỹ vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục hơn cả triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng vẫn ở mức cao, cho thấy lượng dầu dự trữ có thể sụt giảm hơn nữa. OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/2 để xem xét việc gia tăng sản lượng hơn nữa.