Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 58 xu Mỹ (0,8%) xuống 73,91 USD/thùng, sau khi đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 22/11 vào hôm 13/12. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 58 xu Mỹ (0,8%) xuống 70,71 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 7/11.
Tuần trước, giá dầu đã được hưởng lợi từ kỳ vọng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn vì các lệnh trừng phạt bổ sung đối với các nhà sản xuất dầu thô Nga và Iran, trong khi khả năng lãi suất thấp hơn ở Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, gây áp lực lên Chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường các biện pháp kích thích cho một nền kinh tế mong manh đang phải đối mặt với thuế quan thương mại của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Triển vọng của Trung Quốc góp phần vào quyết định của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 4/2025.
Bên cạnh đó, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 17-18/12, đồng thời cung cấp manh mối về kế hoạch lãi suất cho năm 2025 và có thể là năm 2026.
Lãi suất thấp hơn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu dầu. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi các báo cáo về các kho dầu dự trữ của Mỹ, sẽ được công bố trong tuần này để có thêm chỉ dẫn về thị trường.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ được dự kiến sẽ giảm trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng có khả năng tăng. Thông tin này được đưa ra trước báo cáo của Viện Xăng Dầu Mỹ (API), công bố ngày 17/12, và báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự kiến công bố ngày 18/12.
Bốn nhà phân tích được Reuters khảo sát ước tính dự trữ dầu thô đã giảm trung bình khoảng 1,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 13/12.