Giá dầu kỳ hạn thường theo sát diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ khi thị trường này cũng mất đà do các nhà đầu tư lo ngại về đại dịch COVID-19. Châu Âu đang gặp phải nhiều khó khăn với số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao và những biện pháp hạn chế xã hội mới. Còn tại Mỹ, số ca lây nhiễm COVID-19 đã vượt 100.000 ca/ngày trong vài ngày qua, và hơn chục bang đã tăng gấp đôi số ca lây nhiễm trong hai tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch này giá dầu Brent giảm 27 xu Mỹ xuống còn 43,53 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 33 xu Mỹ xuống còn 41,12 USD/thùng.
Chuyên gia cao cấp Phil Flynn thuộc Price Futures Group ở Chicago, cho rằng khi thị trường chứng khoán giảm, giá dầu cũng theo đó mà đi xuống.
Ngoài ra, số liệu dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua cũng tác động xấu tới giá dầu khi bất ngờ tăng thêm 4,3 triệu thùng và trái ngược với dự báo giảm 913.000 thùng.
Giá dầu Brent và WTI đều tăng trong tuần này sau khi nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Pfizer Inc cho biết kết quả thử nghiệm ban đầu vắc-xin ngừa COVID-19 cho thấy có hiệu quả trên 90%, đã làm tăng hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên, dù có sự tiến triển về vắc-xin ngừa COVID-19, nhu cầu dầu mỏ vẫn không ổn định. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới khó có thể tăng đáng kể cho đến năm 2021 dù phát triển thành công vắc-xin ngừa COVID-19.
Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết tiêu thụ nhiên liệu sẽ phục hồi chậm hơn trong năm 2021 so với dự đoán trước đây bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bộ Năng lượng Algeria cho hay OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu mỏ hiện nay (7,7 triệu thùng/ngày) đến năm 2021, hoặc cắt giảm mạnh hơn nếu cần thiết.