Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Ba giảm 1,76 USD (2,03%) xuống 84,90 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,78 USD (2,23%) xuống 77,90 USD/thùng, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần 4 tuần.
Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp từ ngày 31/1-1/2, sau đó một ngày dự kiến sẽ là mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bất kỳ sai lệch nào trong kịch bản này đều sẽ tác động mạnh tới thị trường.
Dennis Kissler, quan chức cấp cao tại ngân hàng BOK Financial (Mỹ), nhận định tâm lý lo ngại đã gia tăng trong hai tuần qua khi môi trường lãi suất cao hơn có thể làm chậm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Thị trường cũng chịu sức ép trước những dấu hiệu cho thấy hoạt động xuất khẩu từ Nga vẫn tăng mạnh mẽ bất chấp lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) và chính sách áp giá trần đối với dầu Nga.
Bên cạnh các cuộc họp của ngân hàng trung ương, cuộc họp vào ngày 1/2 của các bộ trưởng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Nhà môi giới dầu mỏ PVM cho rằng OPEC+ có thể "làm thị trường ngạc nhiên với một mức cắt giảm nhỏ", song tổ chức này khó có thể điều chỉnh chính sách.
Trước đó trong phiên đầu tuần, giá dầu tăng do căng thẳng ở Trung Đông sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Iran và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc cao hơn.
Hy vọng về sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đã thúc đẩy giá dầu trong năm 2023. Nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cuối tuần qua đã cam kết thúc đẩy phục hồi tiêu dùng để hỗ trợ nhu cầu.