Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,73 USD (2,7%) xuống 61,93 USD/thùng; còn giá chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,48 USD (2,6%) xuống 55,30 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, xét về triển vọng dài hạn, giá dầu có xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất dầu khí ngoài khơi của Mỹ đã được nối lại sau khi cơn bão Barry đi qua Vịnh Mexico vào tuần trước, gây gián đoạn hoạt động sản xuất. Royal Dutch Shell, một nhà sản xuất hàng đầu vùng Vịnh, cho biết hôm 17/7 đã khôi phục khoảng 80% sản lượng trung bình hàng ngày tại khu vực.
Một nhân tố khác chi phối thị trường dầu mỏ là tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Đầu phiên 18/7, giá dầu đã tăng khoảng 1% sau khi Iran thông báo bắt giữ một tàu nước ngoài bị cáo buộc buôn lậu nhiên liệu tại vùng Vịnh. Lực lượng Vệ binh quốc gia Iran thông báo bắt giữ một tàu nước ngoài chưa xác định, chở khoảng 1 triệu lít dầu lậu, tương đương 6.200 thùng, tại đảo Lark ở vùng Vịnh Persia.
Theo chuyên gia Giovanni Staunovo, phản ứng trên một lần nữa cho thấy căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa được giải quyết và có thể bùng phát các hành động quân sự bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông cho rằng sự tăng giá này sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Trước đó, trong phiên giao dịch 17/7 giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ các chế phẩm dầu mỏ hàng tuần của Mỹ tăng. Theo Báo cáo Tình trạng Dầu mỏ hàng tuần do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 17/7, trong tuần kết thúc vào ngày 12/7, lượng dự trữ các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ lại tăng đáng kể. Tổng lượng dự trữ xăng đã tăng 3,6 triệu thùng và dự trữ nhiên liệu chưng cất tăng 5,7 triệu thùng.