Trong phiên đầu tuần, giá dầu đi lên sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng Bảy để đối phó với những “cơn gió ngược” khiến thị trường suy thoái.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy. Đây là mức cắt giảm tự nguyện lớn nhất của Saudi Arabia trong nhiều năm qua và nằm trong thỏa thuận rộng lớn hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+). Mục tiêu của kế hoạch là hạn chế nguồn cung vào năm 2024 để đẩy giá dầu lên.
Tuy nhiên, sang phiên 6/6, giá dầu quay đầu giảm khoảng 1% giữa những lo ngại nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đã lấn át cam kết cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa của Saudi Arabia. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Citi cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng nói trên của Saudi Arabia không thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa do nhu cầu suy yếu, nguồn cung từ các nước ngoài OPEC cao hơn, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại và khả năng suy thoái ở Mỹ và châu Âu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng từ 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày ghi nhận trong năm 2019.
Sau khi phục hồi trong phiên 7/6, giá dầu giảm trở lại trong phiên 8/6. Song, đà giảm của mặt hàng này đã được hạn chế phần nào sau sự sụt giảm mạnh trước đó, khi Mỹ và Iran đều bác bỏ thông tin rằng hai bên gần đạt được một thỏa thuận hạt nhân.
John Kilduff, đối tác tại công ty dịch vụ đầu tư Again Capital LLC ở New York, cho biết nếu không có thỏa thuận Mỹ- Iran thì thị trường sẽ quay lại tập trung nhiều hơn vào nhu cầu nhiên liệu. Theo các chuyên gia, mối lo về nhu cầu đã lớn hơn mối lo về nguồn cung thắt chặt.
Trong phiên cuối tuần (9/6), giá dầu tiếp tục giảm hơn 1 USD/thùng khi số liệu đáng thất vọng của kinh tế Trung Quốc làm tăng thêm nghi ngờ về tăng trưởng nhu cầu.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,17 USD (1,5%) xuống 74,79 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,12 USD (1,6%) xuống 70,17 USD/thùng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định thông báo cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia đã nâng giá dầu lên một chút. Song, tin đồn về sự trở lại thị trường dầu thế giới của Iran như một nhà cung cấp đã khiến giá dầu sụt giảm mạnh hơn. Hiện nay, các nhà đầu tư sẽ giữ tâm lý chờ đợi cho đến khi lượng dầu tồn kho giảm rõ rệt hơn.
Theo các chuyên gia, số liệu xuất khẩu yếu của Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Trong tháng 5/2023, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nhập khẩu cũng kéo dài đà giảm khi triển vọng đối với nhu cầu toàn cầu ảm đạm, đặc biệt là từ các nước phát triển. Số liệu này đang làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tài chính OANDA cho rằng dữ liệu lạm phát và quyết định lãi suất trong những tuần tới sẽ là những nhân tố chi phối thị trường dầu mỏ.
Trong khi đó, chuyên gia Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu khí PVM cho biết giá dầu có thể tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 13-14/6.
Trong một đánh giá mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đang tỏ ra ổn định hơn dự đoán. Nhưng WB cho rằng lãi suất cao hơn sẽ tạo ra lực cản lớn hơn dự đoán vào năm tới. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay, từ đó có thể kìm hãm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.